Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về 2 dự án luật

07:05, 21/05/2019

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 21-5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự án Luật Kiến trúc.

Cụ thể, buổi sáng 21-5, Quốc hội đã tiến hành phiên họp toàn thể tại Hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này.

Dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) là dự án luật quan trọng liên quan trực tiếp đến người dân nên luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi sát sao của cử tri và nhân dân. Dự án Luật này đã được Quốc hội thảo luận tại 2 kỳ họp (kỳ họp thứ 5 và thứ 6); được Chính phủ tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục lấy ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách và các chuyên gia tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tổ chức vào tháng 4 năm 2019. Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua gồm 10 chương, 119 điều, trong đó một số nội dung cơ bản đã được tiếp thu chỉnh lý, như về triết lý giáo dục; quy định hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông; về các loại cơ sở giáo dục; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và thi tốt nghiệp trung học phổ thông; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; vấn đề đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị của cơ sở giáo dục; quản lý Nhà nước về giáo dục.

Qua thảo luận, các đại biểu đều cơ bản đồng tình cao với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và thống nhất cho rằng, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh sửa khá toàn diện, khắc phục được nhiều bất cập, hạn chế mà các đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân đã góp ý và đóng góp thêm nhiều nội dung để hoàn thiện dự thảo Luật. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật đã có những chỉnh sửa về nội dung và bố cục hợp lý hơn; các nội dung trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã được giải trình một cách rõ ràng, có căn cứ và thuyết phục.

Một số ý kiến đại biểu đề nghị bỏ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chỉ thực hiện kỳ thi tuyển sinh vào cao đẳng, đại học; có ý kiến đề nghị vẫn giữ kỳ tốt nghiệp trung học phổ thông và giao các địa phương thực hiện.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hiện nay, việc tổ chức kỳ thi để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm đánh giá mức độ đạt chuẩn giáo dục phổ thông của học sinh; cung cấp dữ liệu quốc gia cho việc nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh nội dung, phương pháp giảng dạy, chính sách giáo dục và tuyển sinh đại học, đồng thời tạo hành lang pháp lý để thể chế hóa giáo dục thường xuyên, tự học của người dân trong tương lai. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, việc tổ chức thi và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khi tiếp tục việc học ở nước ngoài.

Theo đó, để linh hoạt cho Chính phủ trong tổ chức thực hiện thi tốt nghiệp trung học phổ thông, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc học sinh học hết chương trình trung học phổ thông thì được dự thi để lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, không quy định phương thức cũng như quy mô tổ chức thi. Việc tuyển sinh cao đẳng, đại học của các cơ sở giáo dục được thực hiện theo cơ chế tự chủ quy định bởi Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Cho rằng chất lượng của sinh viên sư phạm và giáo viên sẽ quyết định chất lượng giáo dục, đại biểu Quốc hội Triệu Thanh Dung - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng, cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cần quy định chế độ, chính sách đặc thù cho những người theo học và giảng dạy trong ngành sư phạm giống như ngành công an, bộ đội: coi trọng hạnh kiểm, đạo đức; được bố trí công tác sau khi ra trường; điều chỉnh mức lương phù hợp để giáo viên công tác trong ngành giáo dục có thể sống tốt bằng đồng lương của mình và yên tâm cống hiến, công tác.

Quan tâm đến quy định về các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương - Ðoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, nhấn mạnh việc rèn luyện học tập thì có đỗ, có trượt, có các trường hợp lưu ban vài năm là chuyện bình thường. Do vậy không nên quy định cứng về độ tuổi như trong dự thảo Luật. Các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định lại theo hướng: Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 5 năm học, từ lớp 1 đến hết lớp 5. Tuổi của học sinh vào học lớp 1 là không dưới 6 tuổi và được tính theo năm; giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 4 năm học, từ lớp 6 đến hết lớp 9. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là không dưới 11 tuổi và được tính theo năm; giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 3 năm học, từ lớp 10 đến hết lớp 12. Học sinh vào học lớp 10 phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là không dưới 15 tuổi và được tính theo năm.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị dự thảo luật gộp các nội dung về không truyền bá tôn giáo trong cơ sở giáo dục; việc cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục và các hành vi bị nghiêm cấm trong cơ sở giáo dục tại các Ðiều 20, 21, 22 để đảm bảo tính logic và thống nhất.

Ðể hoàn thiện toàn diện dự thảo Luật trước khi thông qua, các đại biểu Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng về giải thích từ ngữ, thay thế các từ mượn đang được sử dụng trong dự thảo Luật bằng các từ thuần Việt để đảm bảo sáng nghĩa, dễ hiểu.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp buổi sáng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, đa số ý kiến thảo luận đồng tình cao với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) và dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cảm ơn các ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng của các đại biểu Quốc hội phát biểu tại phiên họp; nhấn mạnh Quốc hội sẽ cùng với Chính phủ tiếp thu tất cả các góp ý, rà soát tất cả các nội dung của dự thảo Luật thêm một lần nữa và sẽ có báo cáo giải trình rõ tất cả những vấn đề các đại biểu còn băn khoăn tại phiên họp hôm nay trước khi quyết nghị thông qua tại kỳ họp này.

Buổi chiều 21-5, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kiến trúc. Dự án Luật Kiến trúc đã được thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về những vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ dự thảo Luật Kiến trúc đã bao quát được các chế định cần thiết đối với hoạt động kiến trúc, phù hợp với tình hình thực tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng mục tiêu quản lý và hành nghề kiến trúc như yêu cầu của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đặt ra khi xây dựng Luật này. Ðể tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định mang nội hàm phát triển thể hiện trong chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, hợp tác quốc tế về kiến trúc, thi tuyển phương án kiến trúc, quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và hành nghề kiến trúc...

Về chứng chỉ hành nghề kiến trúc, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã quy định rõ 3 đối tượng bắt buộc có chứng chỉ hành nghề, bao gồm: Kiến trúc sư hành nghề với tư cách cá nhân; cá nhân đảm nhận chức danh chủ trì thiết kế kiến trúc và cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn về kiến trúc trong tổ chức hành nghề kiến trúc.

Dự thảo Luật cũng quy định về bổ sung quy định cá nhân có bề dày thời gian tham gia quản lý Nhà nước, đào tạo về kiến trúc hoặc hành nghề kiến trúc liên tục thì được miễn điều kiện về sát hạch cá nhân đạt giải thưởng kiến trúc quốc gia hoặc giải thưởng quốc tế về kiến trúc thì được miễn điều kiện về thời gian, kinh nghiệm tham gia thiết kế kiến trúc.

Liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, ông Phan Xuân Dũng cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam cho phù hợp.

Thảo luận tại hội trường, một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết bổ sung quy định về vấn đề này vì hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về kiến trúc, lịch sử, văn hóa… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì thế, không ít công trình này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ.

Ðại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc đối với các công trình kiến trúc là hết sức quan trọng. Tuy nhiên do quy định bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc, chuyên về văn hóa dân tộc, phù hợp với các vùng miền, vì vậy đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý theo hướng giao cho Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng và quy định văn hóa bản sắc dân tộc để đảm bảo tính thống nhất./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com