Các biện pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa vụ mùa năm 2019

09:05, 27/05/2019

Theo đánh giá của UBND tỉnh, vụ lúa xuân 2019 bệnh lùn sọc đen gây hại rất nhẹ; tuy nhiên sản xuất vụ mùa 2019 vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao việc tái bùng phát dịch trở lại do nguồn virus lùn sọc đen trên rầy chiếm tỷ lệ khá cao trong các mẫu phân tích giám định virus ở vụ xuân, có khả năng chuyển sang vụ mùa. Mặt khác, vụ mùa có điều kiện thuận lợi cho rầy phát sinh với mật độ cao; nếu không quản lý tốt mật độ rầy nhiễm virus và nguồn bệnh trên lúa chét vụ xuân thì sẽ không kiểm soát được bệnh lùn sọc đen trong vụ mùa.

Ðể chủ động phòng, chống bệnh lùn sọc đen trên lúa mùa 2019 và hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do bệnh lùn sọc đen gây ra, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các huyện, thành phố chủ động kiểm soát nguồn bệnh, môi giới truyền bệnh, phòng, chống hiệu quả bệnh lùn sọc đen, đảm bảo an toàn sản xuất lúa vụ mùa 2019, hạn chế ô nhiễm môi trường. Nâng cao hiểu biết và kỹ năng quản lý bệnh lùn sọc đen cho cán bộ kỹ thuật, người sản xuất. Trước khi gieo cấy, các địa phương tổ chức tổng vệ sinh đồng ruộng ngay sau thu hoạch lúa xuân, đưa nước vào ruộng, cày lật vùi dập lúa chét, gốc rạ, giữ nước trong ruộng, bón vôi bột cải tạo đất. Ðiều tra, giám sát mật độ rầy trên lúa chét, ruộng mạ gieo sớm; lấy mẫu rầy, mẫu mạ (ở những vùng trước đây nhiễm bệnh nặng) phân tích, giám định virus. Chuẩn bị giống chất lượng cao; không sử dụng giống Bắc thơm 7 nhiễm rầy, bệnh bạc lá nặng; không sử dụng thóc thịt để làm giống gieo cấy. Toàn bộ diện tích mạ được xử lý hạt giống, phun tiễn chân mạ bằng thuốc trừ rầy đặc hiệu. Riêng lúa gieo sạ xử lý hạt giống, phun thuốc sau khi xuống giống 15-20 ngày (khi trên ruộng có mật độ rầy và mẫu rầy được phân tích có kết quả dương tính). Tăng cường điều tra, lấy mẫu rầy phân tích, giám định virus lùn sọc đen.

Về việc quản lý, giám sát rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen, giai đoạn sau sạ, cấy đến phân hóa đòng, lúa rất mẫn cảm với virus lùn sọc đen nên các địa phương cần chăm sóc, bảo vệ tốt tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi, tăng sức đề kháng bệnh. Ðịnh kỳ điều tra, thu thập mẫu giám định virus trong rầy và lúa khi có triệu chứng biểu hiện bệnh lùn sọc đen làm cơ sở để quyết định xử lý tiếp theo. Phun trừ rầy lưng trắng triệt để khi mật độ cao hơn trung bình nhiều năm ở cùng thời điểm, cùng giai đoạn sinh trưởng và có kết quả giám định virus dương tính trên rầy./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com