Quyết Định về việc Quy định chế độ tài chính hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nam Định

06:04, 04/04/2019

QUYẾT ĐỊNH
Về việc Quy định chế độ tài chính hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm
trên địa bàn tỉnh Nam Định

(Số: 701/QĐ-UBND ngày 3-4-2019)
CHỦ TỊCH UBND TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19-6-2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25-6-2015;

Căn cứ Luật Thú y ngày 19-6-2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15-5-2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;

Căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh;

Căn cứ Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 năm 2019;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 71/TTr-SNN ngày 21-3-2019, Sở Tài chính tại Tờ trình số 206/TTr-STC ngày 28-3-2019 về việc ban hành Quyết định Quy định chế độ tài chính hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nam Định,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ngân sách Nhà nước thực hiện hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm với các nội dung và mức hỗ trợ như sau:

1. Hỗ trợ trực tiếp cho chủ vật nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy bắt buộc hoặc trong vùng có dịch phải bắt buộc tiêu hủy do mắc dịch bệnh gồm: bệnh cúm gia cầm, tai xanh ở lợn, lở mồm long móng gia súc, dịch tả lợn châu Phi cụ thể:

a. Lợn nái, lợn đực giống đang khai thác: hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi; lợn con, lợn thịt các loại: hỗ trợ 30.000 đồng/kg hơi.

b. Trâu, bò, dê: hỗ trợ 45.000 đồng/kg hơi;

c. Gia cầm: dưới 1 tuần tuổi hỗ trợ 15.000 đồng/con; dưới 1 kg/con hỗ trợ 25.000 đồng/con; từ 1 kg/con trở lên hỗ trợ 35.000 đồng/con.

2. Hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch như sau:

a. Hỗ trợ cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng vắc-xin bao vây ổ dịch với mức bình quân cho một lần tiêm 2.000 đồng/con lợn, dê; 4.000 đồng/con trâu, bò; 200 đồng/con gia cầm.

b. Hỗ trợ kinh phí tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh hoặc trong vùng dịch phải tiêu hủy; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, chốt kiểm dịch động vật bắt giữ buộc phải tiêu hủy theo quy định bao gồm: chi phí tiêu hủy, công đào hố chôn, bao đựng, phương tiện vận chuyển, trang phục phòng hộ, vôi bột xử lý tiêu hủy, cụ thể mức hỗ trợ là:

- Hỗ trợ 2.000 đồng/kg đối với gia súc;

- Hỗ trợ 1.000 đồng/kg đối với gia cầm.

c. Kinh phí mua hóa chất để khử trùng, tiêu độc: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mua, đảm bảo số lượng, chất lượng theo kế hoạch được UBND tỉnh phê duyệt để cấp cho các huyện, thành phố phục vụ cho phòng, chống dịch.

d. Hỗ trợ cho những người trực tiếp phun hóa chất khử trùng, tiêu độc. Mức chi tối đa là: 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

đ. Hỗ trợ cho lực lượng phục vụ tại các chốt kiểm dịch, mức chi tối đa 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết.

e. Hỗ trợ cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch. Mức chi tối đa 100.000 đồng/người/ngày đối với ngày làm việc và 200.000 đồng/người/ngày đối với ngày nghỉ, ngày lễ, tết; Mức chi cho thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật 700.000 đồng/người/tháng.

3. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ:

- Kinh phí theo quy định tại khoản 1, Điều 1 Quyết định này khi có kết quả xét nghiệm bệnh của cơ quan thú y có thẩm quyền hoặc biên bản xác định dịch bệnh của cơ quan chuyên môn; biên bản tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh; văn bản đề nghị hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch của UBND các huyện, thành phố.

- Thời gian hỗ trợ kinh phí theo quy định tại điểm a, b, d, e khoản 2 Điều 1 Quyết định này được áp dụng kể từ ngày công bố dịch đến ngày công bố hết dịch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

- Thời gian hỗ trợ kinh phí theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 1 Quyết định này được áp dụng kể từ ngày có quyết định hoạt động cho đến khi có chỉ đạo dừng hoạt động các chốt kiểm dịch của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 2. Nguồn kinh phí phòng, chống dịch:

1. Ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn và dịch tả lợn châu Phi theo các nội dung quy định tại khoản 1, điểm a, b, c, khoản 2 Điều 1 Quyết định này. Chi hỗ trợ cho lực lượng tại các chốt kiểm dịch liên ngành của tỉnh, cán bộ thú y và những người trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch; thành viên Ban Chỉ đạo của tỉnh trực tiếp chỉ đạo phòng, chống dịch.

2. Ngân sách cấp huyện, cấp xã đảm bảo kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch theo nội dung quy định tại điểm d khoản 2, Điều 1 Quyết định này chi hỗ trợ cho lực lượng tại các chốt kiểm dịch do địa phương thành lập, quản lý; cán bộ thú y, thành viên Ban Chỉ đạo và những lực lượng khác của huyện, xã trực tiếp tham gia nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện:

- Xác định nhu cầu về số lượng vắc-xin cần thiết để tiêm phòng bao vây ổ dịch, báo cáo UBND tỉnh hoặc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm căn cứ phê duyệt kế hoạch mua, cấp vắc-xin tiêm phòng chống dịch.

- Căn cứ chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và biến động giá cả thị trường đề xuất với UBND tỉnh điều chỉnh mức hỗ trợ ngân sách tại khoản 1, Điều 1 Quyết định này cho phù hợp tình hình thực tế; hướng dẫn về quy trình kỹ thuật tiêu hủy, lập hồ sơ số liệu về số lượng, trọng lượng gia súc, gia cầm bắt buộc phải tiêu hủy và thẩm định hồ sơ xin hỗ trợ kinh phí của các huyện, thành phố; tổng hợp gửi Sở Tài chính, báo cáo UBND tỉnh làm căn cứ pháp lý quyết định hỗ trợ.

2. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn trình tự thủ tục hỗ trợ kinh phí. Căn cứ đề nghị của UBND các huyện, thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí.

3. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:

3.1. Tập trung chỉ đạo các phòng, ban liên quan, chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn:

- Triển khai kịp thời, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Thực hiện nghiêm, đầy đủ, đúng quy trình về tiêu hủy gia súc, gia cầm mắc bệnh; gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm do các lực lượng phòng, chống buôn lậu, chốt kiểm dịch động vật bắt giữ buộc phải tiêu hủy theo quy định.

- Lập hồ sơ hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng có gia súc, gia cầm bắt buộc phải tiêu hủy theo quy định; thực hiện công khai chính sách và mức hỗ trợ trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại thôn, xã theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19-6-2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách Nhà nước đối với cá nhân, dân cư. Sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, định mức, có hiệu quả, không để thất thoát lãng phí và xảy ra tiêu cực.

- Tổng hợp, thẩm định số lượng, trọng lượng gia súc, gia cầm bắt buộc phải tiêu hủy thuộc đối tượng được hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Quyết định này; chịu trách nhiệm pháp lý về số lượng, trọng lượng gia súc, gia cầm phải tiêu hủy và báo cáo UBND huyện.

3.2. Chỉ đạo lập tờ trình, trình UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng được hỗ trợ kinh phí (Tờ trình các huyện, thành phố gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính).

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 11-5-2012; Quyết định số 546/QĐ-UBND ngày 18-4-2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

CHỦ TỊCH
Phạm Đình Nghị



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com