Kiểm tra việc ứng phó khẩn cấp với bệnh dịch tả lợn châu Phi

07:04, 11/04/2019

Ngày 11-4, Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra thực tế tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn xã Nam Cường (Nam Trực), xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc) và Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Nam Cường (Nam Trực).
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh kiểm tra công tác chống dịch tả lợn châu Phi tại xã Nam Cường (Nam Trực).

Xã Nam Cường và xã Mỹ Hà là hai điểm phát bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp theo trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số đơn vị có dịch lên 55 xã của 6 huyện: Trực Ninh, Hải Hậu, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc, Nam Trực. Tổng số lợn phải tiêu hủy 10.843 con, tổng trọng lượng tiêu hủy 518.072kg. Trong đó, xã Mỹ Hà phát hiện dịch bệnh tả lợn châu Phi tại 2 hộ dân vào các ngày 4 và 7-4 với tổng đàn 81 con. Xã đã làm tốt công tác phát hiện dịch, khai báo với cơ quan chức năng và tổ chức tiêu hủy lợn mắc dịch. Tuy nhiên, công tác lập chốt kiểm dịch chậm, thực hiện không nghiêm túc quy trình kiểm soát tiêu độc khử trùng các phương tiện lưu thông trên địa bàn. Xã Nam Cường phát hiện dịch bệnh vào ngày 7-4 trên đàn lợn của 3 hộ dân với tổng đàn 56 con, 2.481kg lợn. Ngay khi phát dịch, chính quyền xã đã báo cáo với các cơ quan chuyên môn và hướng dẫn các hộ dân thực hiện các biện pháp tiêu hủy, vệ sinh chuồng trại, đồng thời tổ chức các biện pháp khoanh vùng, phòng, chống dịch bệnh. Hiện tại, toàn xã có 10 chốt kiểm dịch, kiểm soát việc vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn cũng như các phương tiện ra vào địa bàn, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền phòng chống dịch, ổn định tâm lý người dân trong vùng dịch.

Tại Trung tâm Giống gia súc, gia cầm tỉnh, mặc dù chưa bị bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác phòng, chống dịch được triển khai nghiêm ngặt. Trong đó, Trung tâm thực hiện rắc vôi bột suốt dọc đường vào và ranh giới liền kề với các khu vực khác; phun thuốc khử trùng cho toàn bộ cây trồng, vật nuôi trong khu vực; thực hiện các biện pháp ngăn chặn vật trung gian truyền bệnh như chim, chuột, chó, mèo. Thức ăn chăn nuôi cung ứng vào Trung tâm được phun thuốc sát trùng, cách ly 30 phút rồi đưa vào phòng chiếu tia cực tím để loại trừ mầm bệnh. Đối với cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động và khách hàng đến giao dịch đều được thực hiện biện pháp khử trùng và hạn chế người ra vào khu vực cách ly.

Phát biểu tại buổi làm việc với các địa phương, đơn vị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi; đồng thời yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục thực hiện các biện pháp ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. Tăng cường thông tin tuyên truyền, chống dịch bệnh để người dân, hộ chăn nuôi biết rõ quy trình phòng, chống dịch; nguyên nhân dịch lây lan nhanh để phòng tránh; cách sử dụng thịt lợn trong thời điểm dịch bệnh và thay đổi biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tổ chức cho các tổ chức, cá nhân hành nghề thú y ký cam kết với chính quyền không tự điều trị lợn ốm, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi; các chủ cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn ký cam kết với chính quyền không thu mua, giết mổ lợn ốm, chết; dừng buôn bán, vận chuyển và tái đàn tại các xã có dịch đến khi công bố hết dịch. Hạn chế thấp nhất việc qua lại, thăm hỏi giữa các hộ đã xảy ra dịch với các hộ khác trong vùng dịch. Chủ động quản lý giám sát các ổ dịch. Phát huy sức mạnh của các cấp chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể với tinh thần trách nhiệm cao nhất tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống dịch; quyết tâm khống chế dịch bệnh tả lợn châu Phi không lây lan phát triển rộng trên địa bàn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Mỹ Lộc, Nam Trực, Chi cục Thú y cần đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương khoanh vùng dập dịch. Riêng xã Mỹ Hà phải nhanh chóng thực hiện nghiêm việc lập các chốt kiểm dịch, khoanh vùng dập dịch, thực hiện nghiêm quy trình tiêu độc khử trùng, kiểm soát việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn trên địa bàn./.

Tin, ảnh: Nguyễn Hương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com