Giám sát công tác quản lý, sử dụng thủy lợi phí trên địa bàn tỉnh

06:04, 09/04/2019

Ngày 9-4, HÐND tỉnh làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để giám sát tình hình hoạt động của các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi và công tác quản lý, sử dụng kinh phí cấp bù thủy lợi phí giai đoạn 2015-2018. Ðồng chí Nguyễn Viết Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Sở Tài chính tham gia đoàn giám sát.

Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát.
Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát.

Tỉnh ta có 5 hệ thống công trình thủy lợi do các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi và các địa phương khai thác, bảo vệ bao gồm: Hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh Bắc Nam Hà, Nam Ninh, Xuân Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng. Trong đó, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý, khai thác, bảo vệ 300 cống qua đê chính, đê bối, đê dự phòng; 614 trạm bơm tưới tiêu, 978 máy, tổng công suất bơm 2.129.270 m3/h; 1.523 đập điều tiết, xi phông, cống luồn, cầu máng trên kênh cấp I, cấp II; 2.600 cống cấp II; 265 kênh cấp I, tổng chiều dài 3.910,3km. Các xã, hợp tác xã nông nghiệp quản lý, khai thác và bảo vệ 10 cống qua đê bối, đê dự phòng; 199 trạm bơm điện tưới tiêu với số lượng 250 máy, tổng công suất 239.620 m3/h; 1.820 đập điều tiết, xi phông, cống luồn, cầu máng trên kênh cấp III; 57.169 cống cấp III; 9 kênh cấp I, tổng chiều dài 16,520km; 40 kênh cấp II, tổng chiều dài 48,385km; 33.963 kênh cấp III, tổng chiều dài 9.983,9km. Hàng năm các công ty, hợp tác xã và các địa phương đều tiến hành kiểm tra hiện trạng công trình, cân đối nguồn kinh phí, mức độ hư hỏng, xuống cấp thực tế của công trình, lập kế hoạch tu bổ, sửa chữa, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, thẩm định. Công tác bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; hoạt động xử lý vi phạm pháp luật các công trình thủy lợi được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực phối hợp với các sở, ngành hữu quan và các địa phương thực hiện tốt. Trong đó, riêng năm 2018 các cơ quan chức năng đã xử lý 1.262 vụ vi phạm công trình thủy lợi, bao gồm vi phạm bảo vệ an toàn công trình thủy lợi; vi phạm gây cản trở dòng chảy công trình thủy lợi; vi phạm xả nước thải vào công trình thủy lợi. Công tác lập kế hoạch, dự toán, phân bổ nguồn kinh phí cấp bù miễn thủy lợi phí được thực hiện nền nếp. Hàng năm, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi trong tỉnh lập kế hoạch sản xuất, tài chính cấp bù, thống nhất với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt. Trong giai đoạn 2015-2018, kinh phí cấp bù thủy lợi phí bình quân cho các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh là hơn 295 tỷ đồng/năm. Nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí những năm qua đã cơ bản đáp ứng được các chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty nhằm chi trả chi phí tiền lương, phụ cấp lương, các khoản có tính chất lương, chi phí quản lý doanh nghiệp theo quy định hiện hành của Nhà nước và đáp ứng một phần nhu cầu tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi. Nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí đã đáp ứng được chủ trương giảm bớt một phần chi phí cho nông dân trong sản xuất; tạo điều kiện cho các công ty tập trung hơn vào quản lý, khai thác công trình thủy lợi, nâng cao năng lực tưới tiêu.

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh đánh giá cao công tác quản lý Nhà nước đối với hệ thống thủy lợi của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hoạt động của các công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được cấp bù đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở tăng cường nạo vét, tu bổ, sửa chữa kênh mương, công trình thủy lợi đầu mối. Với sự vận hành linh hoạt công trình, đến nay 100% diện tích tưới tiêu nước trên địa bàn tỉnh đều được các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ, tưới tiêu chủ động. Tuy nhiên, cũng còn có những mặt hạn chế, các công ty đều chưa bóc tách diện tích được cấp bù thủy lợi phí và diện tích phải đóng góp thủy lợi phí; tỷ lệ kiên cố hóa kênh mương ở các huyện phía nam sông Ðào thấp, chỉ trên 10% với kênh cấp II, cấp III; một số địa phương, doanh nghiệp chưa có định mức khoán quản kinh phí vớt bèo rác, gây ra hiện tượng ách tắc dòng chảy, mất mỹ quan môi trường. Từ thực trạng này, HÐND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm tham mưu cho UBND tỉnh xác định chính xác diện tích không được miễn thủy lợi phí để có giải pháp thu hợp lý; thực hiện cập nhật diện tích miễn thủy lợi phí theo bản đồ địa chính hàng năm; thực hiện thống nhất ký hợp đồng sử dụng nước sản xuất với các hợp tác xã, ký hợp đồng sử dụng nước trên diện tích khoán thầu với các xã, thị trấn; tham mưu, nhân rộng mô hình khoán quản, vớt bèo rác đang thực hiện hiệu quả ở Hải Hậu, Trực Ninh đến các địa phương khác góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sạch đẹp trong chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao./.

Tin, ảnh: Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com