Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra sự cố trên tuyến đê biển và công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi

03:03, 14/03/2019

Sáng 14-3, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra sự cố sạt sập một số điểm kè bãi tắm Quất Lâm (Giao Thủy); kè Cồn Tròn, Hải Thịnh II đê biển huyện Hải Hậu và công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi tại huyện Trực Ninh. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng UBND tỉnh; UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Trực Ninh.

Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình trạng hư hỏng tại kè bãi tắm Quất Lâm, huyện Giao Thủy
Đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tình trạng hư hỏng tại kè bãi tắm Quất Lâm, huyện Giao Thủy

Do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp với triều cường và sóng lớn từ ngày 4 đến ngày 6-3 đã làm sạt lở, sập mái kè bãi tắm phía đông khu du lịch Quất Lâm, huyện Giao Thủy. Trong đó, đoạn 1 dài 56m bị hư hỏng; đoạn 2 dài 64m bị phá hỏng hoàn toàn phần cơ và chân khay. Trước đó, từ ngày 25 đến 27-2, gió mùa kết hợp với triều cường và sóng lớn cũng làm sạt lở mái, sập mái kè Cồn Tròn với tổng diện tích sập, lún, võng ban đầu là 125m2 toàn bộ trong khu vực cấu kiện vuông không mũ 40x40cm và sụt, lún, làm mất ổn định mỏ kè số 4, số 5 của kè Hải Thịnh II thuộc tuyến đê biển huyện Hải Hậu. Để chủ động phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn đê điều, Sở Nông nghiệp đề nghị UBND tỉnh giao UBND huyện Giao Thủy xử lý cấp bách giờ đầu hố sạt nguy hiểm tại các đoạn kè hư hỏng của bãi tắm Quất Lâm. Hiện tại, UBND huyện Giao Thủy đã sử dụng 300 bao JUMBO loại 0,5x0,5x0,6m đựng cát xếp kín xung quanh mép hố sập để hạn chế hố sập rộng thêm. Đối với hố võng, sạt sập kè Cồn Tròn và phần mỏ kè Hải Thịnh II, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Hậu ký hợp đồng với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Hải Hậu xử lý cấp bách các hố sạt trên. Hiện Công ty đang thi công, phấn đấu hoàn thành xử lý các hố sạt trước ngày 15-3.

Kiểm tra tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại huyện Trực Ninh sau khi xuất hiện dịch tại 1 hộ chăn nuôi ở xóm 9, xã Trực Thắng, địa phương đã tổ chức tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh theo quy định. Xã Trực Thắng đã thành lập 3 chốt kiểm dịch tại các đầu mối giao thông ra vào địa bàn; nghiêm cấm việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn; phun thuốc khử trùng các phương tiện ra vào xã. Tổ chức rắc vôi bột tại ổ dịch, các đầu mối giao thông; phun thuốc tiêu độc, khử trùng tại các hộ chăn nuôi. Huyện Trực Ninh cũng cấp 300 lít hóa chất sát trùng cho các xã vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm; các xã, thị trấn chuẩn bị sẵn sàng khoảng 21 tấn vôi bột phục vụ công tác phòng chống dịch. Hiện tại, đàn lợn của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Trực Ninh ổn định, chưa phát hiện thêm lợn mắc bệnh DTLCP.

Kết luận buổi kiểm tra sự cố kè bãi tắm Quất Lâm, kè Cồn Tròn và kè mỏ Hải Thịnh II, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND các huyện Giao Thủy, Hải Hậu theo dõi sát thời tiết, tăng cường kiểm tra phát hiện sớm các sự cố để có phương án xử lý ngay giờ đầu. Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm báo cáo, xin chủ trương của tỉnh về những dự án có liên quan đến việc xử lý đê kè biển, nhất là kè Hải Thịnh II, III và kè Cồn Tròn để sớm triển khai các dự án đã được tỉnh phê duyệt. Về công tác phòng chống bệnh DTLCP, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận quyết tâm phòng chống dịch của xã Trực Thắng và yêu cầu xã nhắc nhở giám sát hộ ông Kiên không được tái đàn lợn cho đến khi có ý kiến của chính quyền; thực hiện nghiêm công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại; hạn chế qua lại các hộ lân cận để phòng lây lan virus. Huyện Trực Ninh chỉ đạo các xã, thị trấn thống kê tất cả các hộ chăn nuôi có sử dụng thức ăn thừa của các bếp ăn tập thể làm thức ăn cho lợn, yêu cầu các hộ không tiếp tục sử dụng hoặc có lấy thì phải xử lý nhiệt bảo đảm an toàn trước khi cho lợn ăn; sau khi cho ăn phải vệ sinh sạch sẽ máng ăn. Phát động các thôn, xóm, cộng đồng dân cư tham gia công tác giám sát, phát hiện và phòng chống dịch bệnh. Các huyện Trực Ninh và Hải Hậu tăng cường công tác giám sát kênh mương, không để tình trạng người dân vứt xác động vật xuống kênh mương làm mất vệ sinh môi trường mầm bệnh lây lan. Biện pháp phòng chống bệnh DTLCP hiệu quả nhất hiện nay là người dân phải chủ động chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại; tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi./.

Tin, ảnh: Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com