Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới

10:01, 10/01/2019

Chiều 9-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Đồng chí Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và các Sở: Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nam Định.
Đồng chí Trần Lê Đoài, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Nam Định.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe giới thiệu tóm tắt Chương trình giáo dục phổ thông mới; công tác chuẩn bị đội ngũ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Hiện tại, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã cơ bản đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, trung học cơ sở 99%, trung học phổ thông 99,9%); chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục; trong đó, môn học bắt buộc mọi học sinh đều phải học và hoạt động giáo dục mọi học sinh đều phải tham gia; môn học tự chọn là môn học không bắt buộc, học sinh chọn theo nguyện vọng; môn học lựa chọn là môn học được học sinh chọn theo định hướng nghề nghiệp. Chương trình giáo dục phổ thông mới phân biệt rõ hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9); và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình giáo dục phổ thông mới chú ý đến tính kết nối giữa chương trình của các lớp học, cấp học trong từng môn và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp, cấp học. Chương trình áp dụng 6 biện pháp giảm tải: giảm số môn học và hoạt động giáo dục; giảm số tiết học; giảm kiến thức kinh viện; tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn; thực hiện phương pháp dạy học mới; đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Chương trình được thực hiện theo lộ trình: Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một trong những nhiệm vụ lớn và quan trọng của ngành. Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp và giảm áp lực cho giáo viên. Đồng thời, quan tâm đảm bảo các điều kiện cũng như chế độ, chính sách cho giáo viên, qua đó, tạo động lực cho giáo viên thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới. Các địa phương cần tích cực trao đổi với Bộ Giáo dục và Đào tạo để tham mưu với Chính phủ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới./.

Tin, ảnh: Hoàng Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com