Năm 2018, xuất siêu ấn tượng 7,2 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với năm 2017

08:01, 08/01/2019

 

Năm 2018, ngoại thương Việt Nam đã đạt con số xuất siêu ấn tượng 7,2 tỷ USD, gấp hơn 3 lần so với năm 2017. Kết quả này có được là nhờ sự tăng trưởng xuất khẩu trên các nhóm ngành hàng chủ lực dù thị trường có nhiều khó khăn.

Cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017.

Có đến 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD; có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Cụ thể là, điện thoại và linh kiện là mặt hàng có mức tăng trưởng cao nhất, đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%. Kế đến là hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28% và da giày đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%.

Ngoài ra, mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng nông sản, thủy sản ghi nhận có sự đột phá. Cụ thể, thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3%; rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%; cà phê đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,2%; gạo đạt 3,1 tỷ USD, tăng 16%.

Tuy nhiên, nhiều nhóm hàng chủ lực gặp không ít khó khăn, đặc biệt trong quý 4-2018. Nhiều nhóm hàng có giá xuất khẩu giảm. Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng vì giá giảm nên kim ngạch giảm so với năm trước như hạt điều, cao su, hạt tiêu…

Đánh giá về xu hướng thị trường năm 2019, tăng trưởng toàn cầu, quy mô thị trường và nhu cầu hàng hóa giảm, hoạt động xuất nhập khẩu nước ta sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể, tình hình thương mại toàn cầu sẽ ảnh hưởng tiêu cực do Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các giải pháp kinh tế để giảm nhập siêu, dần cân bằng cán cân thương mại. Nhiều nước sẽ gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước một cách khắt khe. Trung Quốc liên tiếp thực hiện nghiêm các quy định siết chặt nhập khẩu nông sản khiến xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Bộ Công thương đặt mục tiêu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 258 tỷ USD. Đây là mức tương đối thách thức trong bối cảnh xuất khẩu gặp nhiều khó khăn./.

Theo baotintuc.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com