Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp

07:08, 06/08/2018

Ngày 3-8-2018, Chính phủ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố duyên hải trong cả nước về tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ðồng chí Trịnh Ðình Dũng, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành: NN và PTNT; Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Tư pháp; Công thương; GTVT; TT và TT; Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện: Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ngày 23-10-2017, EC phát cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam bởi nước ta chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; công tác quản lý nghề cá của nước ta chưa tương đồng với khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của EC. Sau khi EC phát cảnh báo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố ven biển đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Ngay sau đó, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Thuỷ sản năm 2017 (ngày 21-11-2017) với các quy định bảo đảm tương thích với các quy định của khu vực, quốc tế và các khuyến nghị của EC. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg và Quyết định số 78/QÐ-TTg ngày 16-1-2018 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025 cùng nhiều chỉ đạo khác. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ, Bộ NN và PTNT đã ban hành nhiều thông tư, quyết định để chỉ đạo triển khai thực hiện; đồng thời thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình thực hiện Chỉ thị số 45 tại các tỉnh có hoạt động và sản lượng đánh bắt lớn. Bộ NN và PTNT cũng đã tăng cường hợp tác song phương và đa phương với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các tổ chức quốc tế, các tổ chức quản lý nghề cá khu vực để thúc đẩy các hoạt động chống khai thác IUU, thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin, đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam sang khai thác hợp pháp tại vùng biển nước ngoài. Ðến tháng 5-2018, cả nước đã có 22/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại 48 cảng trọng điểm ở các địa phương; có 3/28 tỉnh, thành phố ven biển đã thành lập tổ công tác liên ngành. Tuy nhiên, hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam trên thực tế chưa được cải thiện triệt để, chưa đáp ứng các tiêu chuẩn của EC đưa ra. Ðiều này đã được Ðoàn thanh tra của EC chỉ rõ trong các cuộc làm việc, kiểm tra thực địa vừa qua. Công tác thực thi pháp luật để bảo đảm việc kiểm soát tàu cá Việt Nam không vi phạm khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài chưa hiệu quả. Tình trạng tàu cá vi phạm tại vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp, chưa cải thiện đáng kể. Các cấp chính quyền cơ sở chưa vào cuộc quyết liệt, chủ yếu dừng ở mức độ tuyên truyền, hình thức xử lý chưa đủ mạnh. Hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng còn hạn chế; việc xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định của EC.

Sau khi nghe báo cáo, kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương; nghe lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố, phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Ðình Dũng đánh giá cao ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương về các giải pháp nhằm đảm bảo EC tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam,  trong đó nhiều ý kiến đã xác định rõ những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc mà hoạt động nghề cá, công tác quản lý Nhà nước về nghề cá đang gặp phải. Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng, việc nhanh chóng có các biện pháp để EC gỡ bỏ cảnh báo “thẻ vàng” là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết mà Chính phủ và các bộ, ban, ngành, địa phương phải tập trung triển khai trong thời gian tới. Bộ NN và PTNT và các bộ, ngành Trung ương, UBND 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương cần quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 45/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của bộ, ngành, địa phương, không để EC áp dụng “thẻ đỏ”, sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, đồng thời coi đây là cơ hội để sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của quốc tế; đồng thời tái cấu trúc ngành thủy sản nói chung. Trong đó không chỉ tập trung vào khai thác, mà phải cơ cấu giữa đánh bắt và nuôi trồng hợp lý, mục tiêu đảm bảo thu nhập, mức sống của người dân nâng cao và ổn định hơn. Phó Thủ tướng giao Bộ NN và PTNT tập trung tham mưu, sớm trình Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về chống đánh bắt bất hợp pháp để chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tập trung hoàn thiện pháp luật liên quan đến thủy sản nói chung, các quy định về đánh bắt hải sản nói riêng. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, bảo đảm ngư dân, cán bộ, các tổ chức, cá nhân có liên quan hoạt động thủy sản phải có đầy đủ thông tin về việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC; tuyên truyền cho ngư dân, các tổ chức, cá nhân liên quan hiểu rõ về việc cảnh báo “thẻ vàng” của EC; xây dựng tài liệu hướng dẫn chủ tàu, ngư dân trong việc kê khai thông tin cần thiết về nguồn gốc đánh bắt… phục vụ công tác giám sát, đảm bảo dễ hiểu, dễ kê khai; Phối hợp với các Bộ: KH và ÐT, Tài chính nghiên cứu, thống nhất việc lập và triển khai Dự án thông tin quản lý nghề cá trên biển giai đoạn II để giám sát hoạt động của tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên; bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho dự án này; lập kế hoạch rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng cá. UBND các tỉnh, thành phố ven biển phải xây dựng kế hoạch hành động chống đánh bắt bất hợp pháp, quy định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp, cơ quan chức năng liên quan; thường xuyên báo cáo Bộ NN và PTNT để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và có hình thức xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến việc để tàu cá và ngư dân thường xuyên vi phạm. Triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài...

Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com