Tập trung khắc phục hậu quả mưa úng và chăm sóc cây trồng vụ mùa

08:07, 25/07/2018

Do ảnh hưởng của mưa lớn và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 xảy ra đúng vào thời kỳ cao điểm gieo cấy lúa mùa, kết hợp với xả lũ từ các hồ thủy điện làm nhiều diện tích lúa mùa bị ngập úng thiệt hại. Theo báo cáo của các huyện, thành phố, đến ngày 23-7-2018, toàn tỉnh vẫn còn 19.771ha lúa mùa mới cấy bị ngập úng, trong đó diện tích ngập trắng 6.862ha và ngập phất phơ 12.909ha (thời gian ngập kéo dài 6-7 ngày, nhiều khả năng sẽ bị thiệt hại nặng, phải gieo cấy lại). Hơn nữa, cơ cấu giống và thời vụ ở nhiều địa phương đã có sự thay đổi lớn, không theo kế hoạch ban đầu, nguồn sâu bệnh gây hại vụ mùa dự báo cao hơn trung bình nhiều năm, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, rầy, bệnh bạc lá… Ðặc biệt là nguồn bệnh lùn sọc đen trên đồng ruộng hiện nay rất cao; rầy lứa 4 đã nở, mật độ sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Ðể chăm sóc, bảo vệ cây trồng vụ mùa 2018, Sở NN và PTNT đề nghị các địa phương và các Cty KTCTTL tranh thủ thủy triều, vận hành tối đa công suất các trạm bơm bằng mọi biện pháp khẩn trương khoanh vùng tiêu, rút nước chống úng cho lúa. Các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ thiệt hại của từng vùng, từng cánh đồng để có biện pháp chỉ đạo khắc phục ngập úng và chăm sóc kịp thời, phù hợp. Chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nông dân cấy, dặm cho những diện tích lúa bị thiệt hại; tuyệt đối không để ruộng bỏ hoang. Ðối với diện tích rau, màu phải tháo, tiêu nước nhanh khi có mưa lớn, không để nước ngập lâu trong ruộng gây thối rễ, thân; sử dụng các loại thuốc phòng trừ nấm gây bệnh lở cổ rễ, bệnh thối nhũn. Tổ chức phun trừ rầy lứa 4 và thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh lùn sọc đen bằng cách phun thuốc trừ rầy lứa 4 đồng loạt, triệt để cho toàn bộ diện tích lúa ít bị ảnh hưởng của mưa bão và toàn bộ diện tích mạ dược. Thời gian phun thuốc tập trung từ ngày 26 đến 31-7 bằng các loại thuốc Sectox 100WP, Midan 10WP, Thanasat 10WP, Actara 25WG, Amira 25WP, Ramsuper 75WP, Dyman 500WP... (Những diện tích lúa chưa cấy và diện tích cấy lại thời điểm rầy nở rộ sẽ kéo dài sang đầu tháng 8, Sở NN và PTNT sẽ có hướng dẫn sau). Phân công cán bộ tăng cường về các cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc và bảo vệ lúa mùa và rau màu hè thu. Quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhằm đảm bảo thành công các mô hình “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” cho nông dân.

Về kỹ thuật đối với những diện tích cấy sớm, ít bị hoặc không ảnh hưởng của mưa úng khẩn trương hoàn thành chăm sóc lần 1 trước ngày 25-7. Ðối với những diện tích phải cấy dặm, những diện tích cấy lại sử dụng mạ tỉa thừa từ ruộng gieo sạ dày, ruộng lúa tốt cần giữ nước nông thường xuyên trên mặt ruộng để lúa nhanh phục hồi; bón bổ sung 5kg super lân/sào kích thích lúa ra rễ mới, sau đó từ 3-4 ngày tiến hành bón thúc lần 1 cho lúa, hoàn thành trước 30-7, bón thúc lần 2 trước ngày 10-8 (lượng phân bón theo quy trình hướng dẫn). Ðối với những diện tích cấy lại sử dụng lượng mạ dự phòng, mạ gieo trước ngày 5-7 (mạ quá tuổi) cần cấy tăng mật độ, cấy to dảnh, giữ nước nông thường xuyên trên mặt ruộng để lúa nhanh phục hồi; bón lót đậm trước cấy với lượng cho 1 sào là 20-25kg NPK 5-10-3 (hoặc có thể bón thay bằng 10kg NPK 16-16-8, hoặc 15-20 kg lân super + 2-3kg urê); sau cấy 6-7 ngày tiến hành bón thúc lần 1 cho lúa, bón hết lượng phân đạm còn lại và 50% lượng phân Kali; khi lúa kết thúc đẻ nhánh bón hết lượng phân Kali còn lại. Ðối với diện tích lúa cấy bằng mạ gieo bổ sung từ sau ngày 15-7 khoanh vùng giữ nước nông 2-3cm, tổ chức chăm bón kịp thời cho lúa, đảm bảo nguyên tắc bón phân sớm, tập trung, lượng phân đạm được bón tập trung chủ yếu cho lần thúc 1 để hạn chế bệnh bạc lá lúa và đốm sọc vi khuẩn; tăng cường sử dụng phân bón hỗn hợp NPK, chỉ sử dụng các sản phẩm phân bón có uy tín, chất lượng như: NPK Lâm Thao (hoặc Việt Nhật), phân bón Bình Ðiền, phân đạm Phú Mỹ (Ninh Bình, Văn Ðiển). Ðối với diện tích lúa đã bón phân lót phải bừa đi cấy lại do ảnh hưởng của mưa bão, trước khi cấy cần bón bổ sung thêm 50% lượng phân lót, lần bón thúc 1, 2 như quy trình; lượng phân bón phải đảm bảo bón đủ mỗi sào từ 15-20kg lân, 5kg kali và phân đạm không bón quá 7kg. Các địa phương căn cứ tình hình sinh trưởng của từng trà lúa và diễn biến phát sinh của dịch hại (sâu cuốn lá nhỏ và rầy) có biện pháp khoanh vùng, điều tiết nước hợp lý./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com