Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phùng Hoan đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong vụ mùa 2018

06:07, 18/07/2018

Ngày 17-7-2018, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh trong vụ mùa 2018 tại các huyện Vụ Bản, Trực Ninh, Xuân Trường và Giao Thủy. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch có lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh.

Ðến ngày 16-7, toàn tỉnh đã gieo cấy được 59.530ha lúa mùa, đạt 78% diện tích, trong đó diện tích gieo sạ là 20.980ha (chiếm 27% diện tích). Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Thủy lợi, tổng lượng mưa bình quân toàn tỉnh từ đêm 16-7 là 54,3mm. Những nơi có lượng mưa cao là Giao Thủy 111mm, Xuân Trường 68mm, Trực Ninh 66mm, Hải Hậu 62mm, Nghĩa Hưng 50mm, Nam Trực 47mm. Diện tích lúa bị ngập của tỉnh là 16.930ha, chiếm tỷ lệ 28,4% diện tích. Hiện nay, các cống vùng triều đang tận dụng mở tiêu, một số trạm bơm lớn phía bắc đang bơm tiêu. Trong công tác phòng chống bệnh lùn sọc đen vụ mùa 2018, các địa phương đã xử lý hạt giống cho mạ đạt 38,9% so với diện tích mạ, 14,8% hạt giống cho diện tích dự kiến sạ; phun trừ rầy cho 11% diện tích lúa đã sạ, 100% cho mạ nền cứng và mạ dược; xử lý 113,6/441,1ha diện tích ruộng bỏ hoang cần xử lý. Mặc dù trong điều kiện khó khăn nhưng các địa phương vẫn chỉ đạo cán bộ bám sát cơ sở, thu thập mẫu theo dõi mật độ rầy trên mạ và lúa mới cấy. Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV, kết quả giám định mẫu từ ngày 1 đến 16-7, có 9/67 mẫu đã giám định dương tính với vi-rút lùn sọc đen, trong đó có 5 mẫu rầy và 4 mẫu mạ dương tính; đáng chú ý tại các nơi chưa xảy ra bệnh lùn sọc đen có kết quả giám định dương tính với vi-rút lùn sọc đen như: xã Ðại An (Vụ Bản), Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng). Ðến chiều ngày 16-7, diện tích lúa còn sâu nước của huyện Vụ Bản là 680ha, chiếm 9% tổng diện tích đã gieo cấy, tập trung ở các địa phương có cốt đất thấp; các địa phương đã chuẩn bị mạ dự phòng để cấy, dặm cho diện tích lúa còn đang sâu nước. Huyện đã chủ động phối hợp với các Cty KTCTTL trên địa bàn bơm tiêu nước đệm, ngoài hoạt động của các trạm bơm lớn như: Cốc Thành 7 máy, Sông Chanh 22 máy, Vĩnh Trị 5 máy, các trạm bơm dã chiến của huyện thường xuyên hoạt động. Ðến nay, huyện Trực Ninh gieo cấy được 3.700ha lúa mùa. Lượng mưa đo được trên địa bàn Trực Ninh từ ngày 9 đến ngày 16-7 là trên 300mm. Có khoảng trên 40% diện tích lúa đã cấy của Trực Ninh bị ngập. Từ ngày 15-7 đến nay, Cty TNHH một thành viên KTCTTL Nam Ninh đã vận hành các trạm bơm hết công suất để tiêu nước, tuy nhiên do chân triều cao cộng với lượng mưa lớn và các hồ thủy điện đang xả nước nên việc tiêu nước đang gặp nhiều khó khăn. Cty KTCTTL Nam Ninh chỉ đạo 100% cán bộ, công nhân viên Cty trực, tận dụng chân triều để chống ứng cứu lúa. Huyện Xuân Trường gieo cấy được 5.000ha lúa mùa (đạt 89% diện tích), trong đó diện tích gieo sạ là 800ha. Có khoảng trên 3.000ha lúa của Xuân Trường bị ngập; trong đó huyện xác định diện tích thiệt hại, phải gieo cấy lại là 1.700ha, nếu mưa lớn kéo dài 4-5 ngày nữa sẽ có thêm khoảng 600ha nữa bị thiệt hại. Ðến nay, huyện Giao Thủy cấy được 4.500ha, đạt 60% diện tích. Theo báo cáo của Cty TNHH một thành viên KTCTTL Xuân Thủy, đã có 86% diện tích lúa mới cấy của Giao Thủy bị ngập trắng, 10ha bị ngập 3/4.

Qua kiểm tra cho thấy, đợt mưa từ ngày 13-7 đến nay đã làm cho diện tích lúa của tỉnh ngập gần 17 nghìn ha. Các hồ thủy điện đang xả nước nên nước ở các triền sông lên cao. Do vậy trong khoảng 4-5 ngày nữa mức độ chênh lệch giữa thủy triều rất thấp nên việc tiêu nước càng khó khăn hơn, cộng với mưa lớn trong những ngày tới sẽ là nguy cơ diện tích ngập úng tăng, nhất là ở các huyện Trực Ninh, Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Trước tình hình trên, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê xác định diện tích chưa cấy, diện tích đã cấy bị ảnh hưởng ngập úng, cân đối lượng mạ hiện có với diện tích phải gieo cấy sau đợt mưa úng kéo dài; có kế hoạch gieo mạ bổ sung, ngâm ủ trong thời gian sớm nhất và gieo mạ bằng phương thức mạ nền cứng để hoàn thành việc gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ cho phép. Yêu cầu 100% diện tích gieo bổ sung phải được xử lý hạt giống để phòng trừ bệnh lùn sọc đen. Có giải pháp bảo vệ chăm sóc tốt mạ chưa cấy, mạ dư, mạ gieo bổ sung để tổ chức cấy dặm ngay sau khi nước rút. Các Cty KTCTTL bằng mọi biện pháp huy động tối đa lực lượng, phương tiện tổ chức bơm tiêu cứu lúa trong thời gian sớm nhất theo các phương án đã xây dựng. Ðối với vùng tiêu nước bằng trọng lực kết hợp với thủy triều bám sát mực nước trên các triền sông và biến động thủy triều để vận hành, khai thác tối đa thời gian công suất tiêu úng của các công trình. Ðối với vùng tưới tiêu bằng động lực phát huy tối đa công suất của các trạm bơm điện, máy bơm dầu trên địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Cty TNHH một thành viên KTCTTL Bắc Nam Hà đảm bảo tiêu úng hiệu quả nhất. Về phòng chống bệnh lùn sọc đen, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chi cục Trồng trọt và BVTV giám sát rầy lứa 4 để có biện pháp xử lý kịp thời./.

Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com