Hướng dẫn biện pháp quản lý bệnh lùn sọc đen hại lúa mùa 2018

08:06, 08/06/2018

Bệnh lùn sọc đen do vi-rút Southern Rice Black-Streaked Dwarf Virus, thuộc phân nhóm 2, nhóm Fijivirus, họ Reoviridae gây ra; môi giới truyền bệnh là rầy lưng trắng, truyền bệnh theo kiểu bền vững tích lũy. Theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) để quản lý bệnh lùn sọc đen cần: Vệ sinh đồng ruộng, làm đất khẩn trương ngay sau khi thu hoạch lúa xuân; hạn chế việc gặt lửng và cày vặn rạ. Thực hiện cày bừa kỹ, làm tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt lúa chét, cỏ dại… để hạn chế nguồn bệnh lùn sọc đen.

Bố trí thời vụ, cơ cấu, thực hiện phương châm gieo cấy càng sớm, càng tốt, phấn đấu gieo cấy xong trước ngày 20-7. Không gieo sạ (kể cả sạ hàng, sạ vãi). Những chân ruộng thấp, trũng phải gieo mạ dược để giảm thiểu tình trạng ngập úng sau cấy. Không sử dụng giống lúa nhiễm nặng rầy lưng trắng, nhất là giống Bắc thơm số 7. Sử dụng giống thuần chất lượng cao (như BC15, Nếp 97, Kim cương 111, Thiên ưu 8…) để thay thế cho giống Bắc thơm 7. Không sử dụng giống có phẩm cấp chất lượng thấp. Tuyệt đối không sử dụng thóc thịt để làm giống. Bảo vệ mạ, lúa mới cấy, thường xuyên thu thập, giám định mẫu rầy lưng trắng, mẫu lúa. Tăng cường điều tra định kỳ và bổ sung, rà soát diễn biến mật độ rầy để chỉ đạo phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Xử lý toàn bộ hạt giống lúa bằng thuốc BVTV khi hạt ủ đã nứt nanh để chống rầy xâm nhập, lây truyền bệnh lùn sọc đen cho cây mạ. Sử dụng các thuốc: Kola 600FS; Cruiser plus 312,5FS; gaucho 600FS; Sakura 40WP… để xử lý hạt giống. Áp dụng biện pháp canh tác phù hợp, thâm canh cân đối, hợp lý, không lạm dụng phân đạm, không bón phân lai nhai, không bón phân đạm muộn; tăng cường sử dụng phân hỗn hợp NPK. Tận dụng tối đa các nguồn phân hữu cơ để bón lót thay thế một phần lượng phân vô cơ, nhất là ở những chân đất nhiễm chua, phèn, mặn. Áp dụng biện pháp kỹ thuật “hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)”, “3 giảm, 3 tăng”, không phun thuốc kích thích sinh trưởng khi lúa đã bị bệnh. Tập trung trừ rầy lưng trắng và tiêu hủy nguồn bệnh. Ngay từ khi gieo mạ hoặc cấy lúa, nếu phát hiện rầy lưng trắng lưu trú mang vi-rút gây bệnh lùn sọc đen cần phải phun thuốc trừ rầy ngay để hạn chế lây truyền bệnh. Giai đoạn lúa đẻ nhánh cần tiếp tục kiểm tra, nếu phát hiện rầy lưng trắng non (rầy cám) thì phun thuốc khi rầy lưng trắng đa số ở tuổi 1-3 để hạn chế số lượng môi giới lan truyền bệnh. Tổ chức phun thuốc trừ triệt để rầy lứa 4 từ cuối tháng 7, đầu tháng 8. Giai đoạn lúa đứng cái trở đi, những ruộng, khu vực đã phát hiện rầy lưng trắng mang vi-rút cần phun trừ thì phải phun thuốc khi rầy cám lứa kế tiếp nở rộ. Những ruộng, khu vực còn lại thường xuyên tổ chức điều tra, khoanh vùng, chỉ đạo phun thuốc trừ rầy lưng trắng những nơi có mật độ từ 1.000 con/m2 (đối với lúa trước trỗ) trở lên hoặc có mật độ từ 2.000 con/m2 trở lên (đối với lúa sau trỗ) khi rầy đa số tuổi 1-3. Lựa chọn bộ thuốc có hiệu lực trừ rầy cao và ít ô nhiễm môi trường. Thường xuyên kiểm tra, nhổ vùi dảnh, khóm lúa bị bệnh./.

Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com