Chủ động các biện pháp phòng, chống bệnh dại năm 2018

08:05, 11/05/2018

Ngày 8-5-2018, UBND tỉnh đã có Công văn số 309/UBND-VP3 chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở: NN và PTNT, Y tế, Công thương về việc tăng cường các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh dại năm 2018.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 1.391 người, 3 tháng đầu năm 2018 đã có 367 người bị chó cắn phải điều trị dự phòng. Thống kê tại thời điểm 1-10-2017, toàn tỉnh có 264.419 con chó, nhưng mỗi năm chỉ có 60-70 nghìn con chó được tiêm phòng dại, đạt khoảng 26% tổng đàn. Ngoài ra, tình trạng chó thả rông, không được quản lý vẫn phổ biến; nhận thức của người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh dại còn hạn chế, tâm lý chủ quan nên nhiều người bị chó cắn không đến các cơ sở y tế để điều trị dự phòng. Do vậy, nguy cơ phát sinh, lây lan bệnh dại trên địa bàn tỉnh là rất cao. Để công tác phòng chống bệnh dại đạt hiệu quả cao, giảm số trường hợp chó cắn người và hạn chế lây truyền bệnh dại cho người. UBND tỉnh yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thủ trưởng các sở, ngành liên quan tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 05/2007/NĐ-CP ngày 9-1-2007 của Chính phủ, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31-5-2016 của Bộ NN và PTNT, Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 27-2-2018 của UBND tỉnh về phát triển chăn nuôi, thủy sản và phòng, chống dịch bệnh động vật năm 2018. Tăng cường kiểm soát, yêu cầu các cơ sở kinh doanh, vận chuyển, giết mổ không nhập chó từ các vùng có lưu hành bệnh dại hoặc chó nhập lậu, không rõ nguồn gốc. Tăng cường xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, tiêm phòng vắc-xin dại theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31-7-2017 của Chính phủ. Tổ chức thực hiện “Tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại” từ ngày 15-5 đến 15-6-2018 trên toàn tỉnh với chủ đề “Cộng đồng chung tay phòng chống bệnh dại” với các nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức chiến dịch truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các cơ quan, đơn vị, trường học về tính chất nguy hiểm của bệnh dại, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại và các biện pháp phòng, chống bệnh dại hiệu quả. Tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người nuôi chó đối với cộng đồng. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát, phát hiện và thông báo cho chính quyền cơ sở, cơ quan thú y và y tế các trường hợp động vật nghi mắc bệnh dại để xử lý kịp thời. Hướng dẫn người bị chó, mèo cắn đến ngay cơ sở y tế để được điều trị vết thương, điều trị dự phòng ngăn ngừa tử vong do bệnh dại. Quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi, yêu cầu các hộ nuôi chó cam kết thực hiện việc khai báo, đăng ký chó nuôi; chấp hành việc nuôi giữ chó trong khuôn viên gia đình, không thả rông; khi đưa chó ra nơi công cộng phải đeo rọ mõm, có dây xích và có người dắt. Tiếp tục tổ chức tiêm phòng triệt để vắc-xin dại cho đàn chó tập trung theo từng cụm dân cư (thôn, xóm), đồng thời thường xuyên tiêm bổ sung hằng tháng cho chó, mèo để duy trì tỷ lệ miễn dịch quần thể, ngăn ngừa bệnh dại phát sinh, lây lan trên chó, mèo nuôi./.

Thanh Hoa

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com