Nâng cao kỹ năng quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen

08:01, 17/01/2018

Ngày 16-1-2018, Sở NN và PTNT tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen năm 2018.

Tại tỉnh ta, bệnh lùn sọc đen xuất hiện đầu tiên vào vụ mùa năm 2009 làm mất trắng 8.100ha và tái xuất hiện trong vụ mùa năm 2017. Dịch phân bố trên diện rộng, với tổng diện tích nhiễm bệnh là 23.254ha, trong đó nhiễm nặng 17.571ha, mất trắng 9.433ha, thiệt hại từ 30-70% năng suất, là 8.138ha; gây thiệt hại lớn tại 4 huyện công bố dịch là Giao Thủy, Hải Hậu, Xuân Trường và Trực Ninh. Nguyên nhân bùng phát dịch trong vụ mùa 2017 được xác định là do thời tiết đầu vụ thuận lợi cho rầy (lứa 4) phát sinh, có mật độ cao bất thường, gấp hàng chục lần so với các vụ mùa gần đây và trung bình nhiều năm. Bộ giống lúa sử dụng trong vụ mùa 2017 nhiễm rầy lưng trắng rất cao hầu hết là các giống có nguồn gốc từ Trung Quốc như BT7, lúa lai có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mưa bão đầu vụ làm gần 11 nghìn ha lúa phải gieo cấy lại làm cho cơ cấu giống, thời vụ bị xáo trộn, tạo ra nhiều trà lúa sinh trưởng khác nhau, dẫn đến việc phòng trừ không tập trung, đồng loạt là điều kiện phát tán nguồn bệnh. Mặc dù việc chỉ đạo phòng trừ quyết liệt, được nông dân thực hiện nghiêm, tuy nhiên do phun thuốc trong điều kiện không thuận lợi, có mưa nhiều ngày nên hiệu quả diệt trừ thấp. Bệnh do vi-rút gây ra, chưa có thuốc đặc trị, chưa có nhiều kinh nghiệm phòng trừ… Nhằm ngăn chặn bệnh lùn sọc đen hại lúa trong năm 2018, Sở NN và PTNT đã đưa ra biện pháp quản lý rầy môi giới theo nguyên tắc “kiên quyết và đồng loạt phun thuốc trừ rầy lưng trắng để bảo vệ lúa non đến hết giai đoạn làm đòng”. Ở giai đoạn mạ, khi giám định mẫu rầy, mẫu lúa có dương tính với vi-rút lùn sọc đen phải phun tiễn chân mạ trước khi nhổ mạ cấy từ 2-3 ngày, đặc biệt lưu ý trong vùng nguy cơ cao; khi giám định mẫu rầy, mẫu lúa âm tính với vi-rút lùn sọc đen nhưng phát hiện rầy lưng trắng có mật độ trên 20 con/m2 phải phun trừ bằng thuốc hóa học. Giai đoạn lúa từ gieo cấy/sạ đến đứng cái, khi giám định mẫu rầy, mẫu lúa có dương tính với vi-rút lùn sọc đen phải trừ triệt để rầy lưng trắng ở các lứa rầy di trú và rầy lứa 1 trong tháng 3, lứa 2 từ giữa đến cuối tháng 4; khi giám định mẫu rầy, mẫu lúa âm tính với vi-rút lùn sọc đen nhưng mật độ rầy lưng trắng có trên 10 con/khóm phải phun trừ bằng thuốc hóa học. Ở giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi phải thường xuyên kiểm tra phát hiện rầy lưng trắng trong ruộng và rầy lứa 3 nở rộ từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5; khi rầy có mật độ trên 30 con/khóm phải phun trừ bằng thuốc hóa học. Sử dụng các loại thuốc trừ rầy lưng trắng theo đúng hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV.

Tại hội nghị tập huấn, các đại biểu đã được nghe tham luận kết quả nghiên cứu chuyên sâu của Trung tâm Nghiên cứu bệnh cây nhiệt đới (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) về rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen hại lúa; Trung tâm BVTV phía Bắc (Cục BVTV) hướng dẫn một số biện pháp phòng trừ, nhận biết, triệu chứng bệnh lùn sọc đen hại lúa và phân biệt rầy lưng trắng với các loại rầy khác; Cty CP BVTV 1 Trung ương giới thiệu bộ sản phẩm thuốc BVTV quản lý sinh vật gây hại lúa vụ xuân 2018. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia các ý kiến trao đổi, thảo luận về các giải pháp phòng, chống bệnh lùn sọc đen hại lúa với quyết tâm nỗ lực ngăn chặn, không để bệnh lùn sọc đen hại lúa bùng phát trong năm 2018, đảm bảo sản xuất thắng lợi./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com