Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm việc tại tỉnh ta

10:10, 06/10/2017

Ngày 5-10-2017, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do đồng chí Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó trưởng Ban CCHC của Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc tại tỉnh ta. Tham gia Đoàn kiểm tra có đại diện các Bộ: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, KH và CN, TT và TT, Văn phòng Chính phủ. Đón tiếp, làm việc với Đoàn về phía tỉnh ta có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở: Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, KH và CN, TT và TT, TN và MT, GTVT, Ban quản lý các KCN, Văn phòng UBND tỉnh; đại diện các huyện: Hải Hậu, Nam Trực, Trực Ninh.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Nội vụ được UBND tỉnh phân công báo cáo với Đoàn kiểm tra về những hoạt động mà tỉnh Nam Định đã và đang triển khai nhằm không ngừng đẩy mạnh CCHC. Thực hiện kế hoạch CCHC Nhà nước tỉnh Nam Định giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh đã triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Trung ương, đồng thời ban hành nhiều nội dung mới, phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Chính vì vậy, công tác CCHC của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực trên tất cả 6 lĩnh vực công tác trọng tâm. Về cải cách thể chế, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, bảo đảm thời gian, quy trình, trình tự và thủ tục. Sở Tư pháp đã góp ý 31 dự thảo văn bản, trong đó có 14 văn bản của Trung ương và 17 văn bản của tỉnh; thẩm định 33 dự thảo văn bản gồm 12 dự thảo nghị quyết, 21 dự thảo quyết định. Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tự kiểm tra 2.134 văn bản do UBND tỉnh ban hành, trong đó có 13 văn bản QPPL ban hành quý IV năm 2016 và tự kiểm tra 1.450 văn bản do cấp huyện ban hành. Về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, tỉnh đã ban hành nhiều quyết định về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, công bố mới 433 TTHC, ban hành 15 quyết định công bố TTHC thuộc các lĩnh vực của các sở, ban, ngành. Tất cả các TTHC sau khi được sửa đổi, bổ sung đều được công khai kịp thời trên Cổng, Trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền giải quyết. Vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước được tỉnh quan tâm. UBND tỉnh thường xuyên cập nhật những quy định mới của Trung ương, thực hiện rà soát, ban hành quyết định về chức năng nhiệm vụ, thành lập, đổi tên một số cơ quan, đơn vị theo thẩm quyền. Công tác tuyển dụng công chức, viên chức được tổ chức theo hình thức thi tuyển từ cấp huyện trở lên bảo đảm các quy định về điều kiện, trình độ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng luôn được quan tâm, chú trọng. Về cải cách tài chính công, đến nay Nam Định có 100% cơ quan, đơn vị ban hành quy chế chi tiêu nội bộ và quy chế quản lý tài sản công. Về hiện đại hóa hành chính, UBND tỉnh phối hợp với VNPT Nam Định hoàn thành kết nối liên thông hệ thống quản lý văn bản điện tử với Văn phòng Chính phủ và 28 bộ, ngành, địa phương khác, đã xây dựng chính quyền điện tử cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố. Tỉnh đã cài đặt, tập huấn sử dụng phần mềm hệ thống quản lý văn bản và điều hành cho 27/27 cơ quan, đơn vị; trong đó 24 cơ quan, đơn vị đã đi vào hoạt động có hiệu quả...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: CCHC là bước đi tất yếu cần phải sớm thực hiện trong hệ thống bộ máy từ Trung ương đến địa phương nhằm phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cùng với những mặt tích cực Nam Định đã đạt được, trong quá trình triển khai CCHC địa phương đang vướng mắc một số nội dung. Trong đó, vấn đề đánh giá tiêu chí CCHC của Trung ương đối với các địa phương cần hợp lý hơn. Về  bộ máy, đặc biệt của ngành Y tế đang quản lý từ Trung ương đến địa phương là chưa hợp lý. Nên chăng, các bộ phận y tế của tuyến huyện cần giao cho các địa phương tự quản lý nhằm huy động nhân lực cho công tác phòng chống dịch bệnh tốt hơn. Về văn phòng đăng ký đất đai, trước đây do các huyện, thành phố quản lý nay chuyển về Sở TN và MT gây khó khăn về đi lại cho nhân dân. Về các đơn vị sự nghiệp công lập như văn hóa, thể thao, trung tâm chiếu bóng thực hiện tự chủ tài chính là phù hợp nhưng tự chủ về biên chế là khó khăn. Vì vậy, cần có khung pháp lý cho lĩnh vực này. Về vấn đề tuyển dụng công chức, viên chức, theo quy định hiện tại rất chặt chẽ nhưng Trung ương nên để các địa phương đưa ra mức trần phù hợp, có thể là cao hơn so với tiêu chí.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn công tác đã biểu dương những kết quả mà Nam Định đã đạt được về CCHC trong thời gian qua. Mục tiêu trong CCHC cuối cùng là làm cho kinh tế - xã hội phát triển tốt hơn, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Do vậy, trong thời gian tới Nam Định cần tiếp tục đẩy mạnh CCHC, phải coi CCHC là nhiệm vụ quan trọng số một trong số các hoạt động chung của tỉnh. Bên cạnh những việc đã làm tốt, Nam Định cần đánh giá xem hiện đang có bao nhiêu việc tồn tại, vướng mắc tại sở, ban, ngành, địa phương để giải quyết dứt điểm. UBND tỉnh nên định kỳ hằng tháng, hằng tuần xem xét quy rõ trách nhiệm cho lãnh đạo các sở, ngành, địa phương còn gây phiền hà cho nhân dân trên lĩnh vực mình phụ trách. Công tác kiểm tra toàn diện TTHC cần có chương trình rõ ràng, cụ thể. Vấn đề thông tin, tuyên truyền nên được đẩy mạnh để tất cả cán bộ, nhân dân hiểu rõ mọi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các thủ tục mới về CCHC của Trung ương, địa phương nhằm góp phần hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển./.

Xuân Thu



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com