Dùng muỗi diệt muỗi ngăn sốt xuất huyết

07:09, 11/09/2017

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2017 tới nay, dịch sốt xuất huyết (SXH) đã bùng phát và kéo dài nhiều tháng qua, diễn ra ở cả 4 khu vực Bắc, Trung, Nam, Tây Nguyên, với số mắc được ghi nhận là trên 110 nghìn trường hợp, trong đó 26 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số người mắc SXH tăng gần 50%. Hà Nội là nơi có số người mắc dịch bệnh này cao nhất cả nước, với gần 25 nghìn người, trong đó 7 trường hợp tử vong. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh SXH đang hiện diện ở hơn 100 quốc gia với hàng trăm triệu ca mắc hằng năm. PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh SXH lây truyền qua muỗi vằn Aedes aegypti mang vi-rút Dengue, là loại muỗi hiện đang lưu hành ở hầu hết các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Đáng lo ngại hơn, khi hiện nay việc phòng chống dịch SXH gặp rất nhiều khó khăn do chưa có vắc-xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng chống chủ yếu vẫn là diệt loăng quăng nhằm kiểm soát muỗi truyền bệnh.

Tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã cùng các nhà khoa học Ốt-xtrây-li-a nhân nuôi thành công dòng muỗi Aedes aegypti của địa phương mang vi khuẩn Wolbachia (muỗi được bắt từ đảo Trí Nguyên, Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa). Tiếp đó, muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia đã được thí điểm thả vào môi trường tại đảo Trí Nguyên trong 2 đợt là tháng 9-2013 và tháng 11-2014. Sau khi thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia vào môi trường, kết quả giám sát dịch tễ các năm gần đây cho thấy, trong khi số người mắc SXH ở Thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa đều ở mức rất cao, thì riêng ở đảo Trí Nguyên từ khi kết thúc thả muỗi Wolbachia năm 2014 đến nay chưa xảy ra bất cứ ổ dịch SXH nào. 

Theo một số chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Wolbachia là loại vi khuẩn tự nhiên có trong tế bào của khoảng 60% loài côn trùng sống gần gũi xung quanh con người như: ruồi giấm, châu chấu, bướm, chuồn chuồn… và cả một số loài muỗi thường đốt người, nhưng muỗi vằn truyền bệnh SXH thì lại không có vi khuẩn này. Qua nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã thành công trong việc cấy vi khuẩn Wolbachia vào muỗi vằn và chứng minh được rằng trong cơ thể muỗi mang khuẩn Wolbachia có khả năng ức chế sự phát triển của vi-rút Dengue gây bệnh SXH, vi-rút Zika và một số loại vi-rút khác truyền bệnh qua muỗi, từ đó làm giảm nguy cơ lây truyền vi-rút gây bệnh sang người. Ích lợi hơn, vi khuẩn Wolbachia được muỗi cái truyền qua trứng sang thế hệ sau, trong khi muỗi đực mang Wolbachia nếu cặp đôi với muỗi cái tự nhiên thì sẽ sinh ra trứng “ung” nên duy trì hiệu quả lâu dài nhờ quá trình cặp đôi, sinh sản tự nhiên mà không làm tăng số lượng muỗi ở cộng đồng. Hơn nữa, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia hoàn toàn không phải là muỗi biến đổi gien vì không có bất cứ sự can thiệp nào vào gien của muỗi. Vi khuẩn Wolbachia sống cộng sinh trong tế bào muỗi và duy trì ổn định qua các thế hệ một cách tự nhiên.

Hiện nay, không chỉ có nước ta mà nhiều quốc gia khác như Ốt-xtrây-li-a, In-đô-nê-xi-a, Bra-xin và Cô-lôm-bi-a cũng đã thực hiện thả muỗi mang Wolbachia vào môi trường tự nhiên, trong cộng đồng dân cư, với kết quả đạt được cho thấy đây là một phương pháp an toàn, hiệu quả. Muỗi mang Wolbachia không gây ra bất cứ vấn đề gì về sức khỏe con người hay môi trường sinh thái, trong khi hiệu quả khống chế sự lan truyền của bệnh SXH nâng lên rõ rệt./.

PV



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com