Phấn đấu hoàn thành gieo cấy lúa mùa trước ngày 5-8

07:08, 04/08/2017

Ngày 2-8-2017, đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đi kiểm tra tình hình sản xuất lúa mùa 2017 sau ảnh hưởng của mưa từ đầu vụ. Cùng đi với đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh có lãnh đạo Sở NN và PTNT, Văn phòng UBND tỉnh.

Đến hết ngày 1-8-2017, toàn tỉnh đã gieo cấy 74.055ha lúa mùa, đạt 97% diện tích, trong đó diện tích gieo sạ đạt 22.556ha (chiếm 29% diện tích). Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều trận mưa lớn, đặc biệt bão số 2 đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất, gây ngập úng trên diện rộng những diện tích lúa mùa mới cấy và sạ. Theo thống kê của Sở NN và PTNT, diện tích lúa bị thiệt hại là 16.733ha, trong đó diện tích phải gieo cấy lại 9.091ha, diện tích lúa phải dặm tỉa 7.642ha. Đến nay, các địa phương đã khắc phục được 13.251ha; trong đó đã cấy lại 6.491ha, dặm tỉa 6.760ha. 3 huyện Nam Trực, Trực Ninh và Nghĩa Hưng là những địa phương có diện tích thiệt hại lớn nhất. Trong tổng số 8.961ha lúa mùa của huyện Nam Trực có 5.305ha bị thiệt hại, tập trung tại các xã Tân Thịnh, Đồng Sơn, Bình Minh, Nam Thái, Nam Tiến, Nam Hải, Nam Lợi… Hiện các xã của Nam Trực đã cấy lại 2.307ha và dặm tỉa 808ha. Dự kiến huyện sẽ hoàn thành công tác gieo cấy, dặm tỉa trước ngày 5-8. Huyện Trực Ninh bị thiệt hại 2.286ha trên tổng số 7.560ha lúa mùa, tập trung tại các xã Trực Nội, Trực Khang, Trực Mỹ, Trực Thuận… Các địa phương trong huyện đã cấy lại 1.041ha, dặm tỉa 505ha; còn trên 700ha diện tích bị thiệt hại dự kiến sẽ hoàn thành trong ngày 3-8. Tổng hợp diện tích lúa bị ảnh hưởng của huyện Nghĩa Hưng là 3.345ha; trong đó diện tích mất trắng phải gieo cấy lại là 1.488ha, diện tích cấy dặm 1.857ha. Hiện huyện đã hoàn thành công tác cấy dặm cho 1.857ha; cấy lại 1.408ha. Còn 80ha chưa cấy tập trung ở các xã Nghĩa Đồng, Nghĩa Châu, Nghĩa Thái và Nghĩa Trung, đang được tập trung cấy xong toàn bộ diện tích trong ngày 2-8.

Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, việc chăm bón trong vụ mùa năm nay sẽ gặp rất nhiều khó khăn do mưa lớn phải cấy lại đã phân thành nhiều trà lúa và cơ cấu giống lúa của tỉnh cũng thay đổi so với kế hoạch chỉ đạo. Lúa mùa có nguy cơ cao nhiễm các bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá, trước mắt là sâu cuốn lá lứa tới. Do vậy, bà con nông dân cần phải chú ý chăm bón gọn và tập trung phòng trừ sâu bệnh…

Ảnh minh hoạ/ Internet
Ảnh minh hoạ/ Internet

Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế công tác khắc phục thiệt hại sau các trận mưa lớn tại xã Nam Tiến (Nam Trực), Trực Mỹ (Trực Ninh) và Nghĩa Châu (Nghĩa Hưng). Tại các nơi kiểm tra, bà con nông dân đang tập trung gieo cấy bổ sung, dặm tỉa những diện tích lúa bị thiệt hại để kịp khung thời vụ. Đoàn công tác đã làm việc với xã Nam Hải là địa phương trũng nhất của huyện Nam Trực. Mặc dù huyện và xã đã chỉ đạo nông dân thực hiện gieo mạ dược là cơ bản, chỉ có 2 thôn gieo mạ nền, đặc biệt không gieo sạ; tuy nhiên do trên địa bàn xã không có trạm bơm, chủ yếu tiêu nước bằng trọng lực. Do chân triều cao nên việc tiêu thoát nước sau mưa lớn gặp rất nhiều khó khăn dẫn đến nhiều diện tích của xã bị úng từ trước bão số 2. Diện tích thiệt hại là 332ha trên tổng diện tích 415ha, trong đó 321ha thiệt hại trên 70%. Xã đã chỉ đạo nông dân cấy bổ sung, dặm tỉa được 200ha, dự kiến ngày 5 đến 6-8 sẽ hoàn thành gieo cấy.

Qua buổi kiểm tra, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các huyện, các xã huy động tối đa nhân lực, động viên bà con nông dân ra đồng đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, phấn đấu hoàn thành trước ngày 5-8. Đối với Sở NN và PTNT, bên cạnh hướng dẫn chung toàn tỉnh, phải có hướng dẫn riêng về kỹ thuật chăm sóc với những diện tích cấy muộn được chia làm 2 nhóm: nhóm 1 là những diện tích gieo mạ nền bổ sung sau 20-7; nhóm 2 là diện tích tận dụng mạ dự phòng đã già, ống để cấy lại. Cuối vụ, Sở NN và PTNT cần thống kê riêng năng suất những diện tích này để rút ra bài học kinh nghiệm cho những vụ sản xuất tiếp theo. Dự báo trong thời gian tới tiếp tục còn mưa nhiều, do vậy đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các Cty TNHH một thành viên KTCTTL có phương án tiêu kiệt nước đệm, đảm bảo an toàn cho các trà lúa từ nay đến cuối vụ. Về lâu dài, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các Cty cần tổng kết, đánh giá lại để xây dựng cách vận hành hệ thống thủy lợi cho khoa học, đồng bộ. Trước mắt, ưu tiên nguồn kinh phí cấp bù thủy lợi phí để đầu tư nâng cao năng lực tưới tiêu cho các vùng trọng điểm trong hệ thống, hạn chế tình trạng ngập úng như năm nay. Nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp có tính chiến lược để đầu tư hệ thống đồng bộ hơn, đảm bảo năng lực vận hành tốt hơn trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp./.

Ngọc Ánh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com