Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018

07:08, 22/08/2017

Sáng ngày 21-8-2017, Bộ GD và ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018. Đến dự và chỉ đạo có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể liên quan và 63 tỉnh, thành phố, các Sở GD và ĐT, các trường đại học, cao đẳng sư phạm qua các điểm cầu trong toàn quốc. Đồng chí Phùng Quang Nhạ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GD và ĐT chủ trì hội nghị. Tại đầu cầu tỉnh ta đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tới dự.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Báo cáo của Bộ GD và ĐT nhấn mạnh: Năm học 2016-2017, ngành GD và ĐT tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố; sự ủng hộ, chia sẻ của nhân dân; đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp, sự chia sẻ, đồng hành của các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. Ngành đã thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Tỷ lệ trẻ đến trường các độ tuổi đều tăng, vượt kế hoạch đề ra đầu năm học. Tỷ lệ huy động lứa tuổi nhà trẻ đạt 27,7% (tăng 1,5%), trẻ mẫu giáo đạt 90,9% (tăng 1,8%), trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt tỷ lệ 99,7% (tăng 0,2%). Hiện nay, cả nước có 5.712 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tăng 659 trường so với năm học trước, đạt tỷ lệ 38,1%. Năm học 2016-2017 có thêm 13 tỉnh được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, toàn quốc 100% các tỉnh, thành phố đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi. Chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, THCS tiếp tục được nâng lên; việc xây dựng trường chuẩn quốc gia được các địa phương quan tâm, thực hiện đồng bộ các giải pháp để rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn. Đối với giáo dục thường xuyên (GDTX), năm học vừa qua đã có trên 22 triệu lượt người học tập tại các cơ sở GDTX. Gần 21 triệu lượt người học tập tại các Trung tâm học tập cộng đồng; hơn 200 nghìn lượt người học tin học, ngoại ngữ được cấp chứng chỉ; gần 300 nghìn người học nghề ngắn hạn; hơn 28 nghìn người học xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau biết chữ; gần 210 nghìn học viên học chương trình bổ túc THCS, bổ túc THPT. Mạng lưới GDTX tiếp tục được củng cố, phát triển. Hiện cả nước có hơn 700 trung tâm GDTX; hơn 11 nghìn Trung tâm học tập cộng đồng và hơn 2.000 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Đối với giáo dục đại học, năm học 2016-2017 quy mô sinh viên đại học là 1.767.879, các trường cao đẳng sư phạm là 47.800 sinh viên. 

Năm học 2017-2018, ngành GD và ĐT tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, Quyết định 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông... Tập trung vào các nhiệm vụ chủ yếu: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD và ĐT trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục; Đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GD và ĐT; Hội nhập quốc tế trong GD và ĐT; Tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động GD và ĐT; Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhất trí với Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 và phương hướng nhiệm vụ năm học 2017-2018, nhất là việc tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia và thành tích học sinh giỏi quốc tế của Bộ GD và ĐT. Kết quả đó đã khẳng định chất lượng giáo dục phổ thông là rất tốt trong điều kiện nhiều địa phương còn gặp khó khăn. Về phía tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các địa phương rà soát quy hoạch dành quỹ đất cho trường học, dành hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ các trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh; đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học cho các nhà trường từ bậc học mầm non đến THPT. Đồng thời tăng cường kỷ cương, nâng cao trách nhiệm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý. Thực hiện Chỉ thị của UBND tỉnh về việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp của tỉnh, ngành GD và ĐT tăng cường chấn chỉnh đạo đức nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh. Tỉnh cũng đã cử hàng trăm cán bộ, giáo viên đi học thạc sĩ, tiến sĩ, các lớp quản lý Nhà nước, cao cấp chính trị. Hợp tác với Hội đồng Anh và các tổ chức có uy tín để bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh với kinh phí trên 2 tỷ đồng. Làm tốt công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hành, năng lực sư phạm cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý ở tất cả các cấp học, nhất là trước những chủ trương đổi mới về mô hình, phương pháp giảng dạy. Vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên của tỉnh đã đáp ứng tốt yêu cầu, tạo niềm tin của nhân dân. Năm học vừa qua, chất lượng giáo dục các bậc học của tỉnh ổn định ở mức cao, phát triển bền vững. Kỳ thi THPT quốc gia, tỉnh có 99,53% học sinh tốt nghiệp THPT, điểm bình quân môn 5,32 cao nhất toàn quốc. Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia có 81,91% học sinh dự thi đoạt giải. Năm học vừa qua, ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục được nhận Cờ thi đua của Bộ GD và ĐT. Kiến nghị tại hội nghị, tỉnh đề nghị Bộ GD và ĐT tiếp tục ổn định phương thức tổ chức kỳ thi trong những năm tiếp theo, chỉ nên điều chỉnh về kỹ thuật, tránh thay đổi lớn gây khó khăn cho học sinh. Đồng thời rà soát lại hệ thống các trường đại học, cao đẳng. Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, tâm lý xã hội. Đề nghị Bộ GD và ĐT công bố điều kiện tối thiểu cho các địa phương chuẩn bị…

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị Bộ GD và ĐT, ngành GD và ĐT các địa phương cần làm mạnh mẽ, thực chất hơn nữa việc quan tâm dạy người một cách toàn diện. Không chỉ khai mở kiến thức và trí tuệ cho học sinh mà cần phối hợp với Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên Tiền phong có nhiều hoạt động khơi gợi, giáo dục thiết thực cho học sinh, nhất là học sinh bậc tiểu học về lòng yêu thương kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô, tình yêu quê hương, đất nước để tiến tới trở thành những công dân toàn cầu. Bên cạnh đó, ngành cần tích cực đổi mới và phát huy sáng tạo, bãi bỏ những điều cứng nhắc, cầm tay chỉ việc và những phong trào mang tính hình thức. Tăng cường tự chủ, không chỉ về kinh tế mà phải tự chủ từ giáo viên đến từng bộ môn, giữa nhà trường với đơn vị chủ quản. Về chương trình và sách giáo khoa phải có bước chuẩn bị tích cực, khẩn trương và chất lượng. Sự đổi mới phải đến từng giáo viên ở các vùng, miền từ đô thị đến nông thôn vì người thầy là quan trọng nhất, có ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh. Bộ GD và ĐT, các trường và các địa phương cần phối hợp bồi dưỡng đội ngũ ngay trong các trường sư phạm. Về cơ sở vật chất hiện nay nhiều vùng còn khó khăn, vì vậy từng địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cho các nhà trường. Với công tác thi cử, ngành cần bỏ bớt các kỳ thi không cần thiết, tập trung vào việc ra đề tốt hơn. Trong tuyển sinh đại học, Bộ cần làm việc cụ thể với các trường sao cho việc tuyển sinh đáp ứng được yêu cầu theo tinh thần vì xã hội, vì học sinh. Tiên phong, khai mở, chung sức chung lòng để cả xã hội đồng tình với việc đổi mới. Bộ cũng cần nghiên cứu bàn về thời gian nghỉ hè, thời gian khai giảng cho phù hợp với thực tế hiện nay. Đồng thời cần phối hợp hơn nữa với các bộ, ngành, các tổ chức hội để đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com