Nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội

06:05, 17/05/2017

Ngày 16-5-2017, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Chủ trì hội nghị có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Đảng. Tại điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đặng Xuân Hùng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Trần Lê Đoài, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Những năm qua, công tác tuyên truyền thực hiện Quyết định 217, 218 được Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động triển khai tích cực. Sau 3 năm triển khai, các cấp MTTQ đã chọn nội dung giám sát liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân và được nhân dân quan tâm như: việc thực hiện Quy chế dân chủ trong huy động nội lực của nhân dân tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh trong các trường công lập… Qua giám sát đã có những kiến nghị xác đáng, kịp thời đề xuất điều chỉnh những quy định đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn đời sống xã hội; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, đồng thời góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Qua giám sát, MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tham mưu cho Đảng, phối hợp với chính quyền chỉ đạo xử lý nhiều vấn đề bức xúc trong nhân dân như: Giám sát việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng đã rà soát trên 2 triệu người, trong đó số đối tượng hưởng đúng, hưởng đủ chính sách là 1.982.108 người (chiếm tỷ lệ 95,75%); số đối tượng hưởng chưa đầy đủ chính sách là 86.201 người (chiếm tỷ lệ 4,16%); số đối tượng hưởng sai chính sách là 1.872 người (chiếm tỷ lệ 0,09%); qua giám sát, kiến nghị điều chỉnh chính sách ưu đãi người có công. Về cơ chế phản biện, bước đầu MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã phát huy được vai trò của các tổ chức thành viên, các hội đồng tư vấn của Mặt trận và nhân dân trong hoạt động phản biện xã hội; xác lập mối quan hệ giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp với các tổ chức, cơ quan có thẩm quyền… MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực triển khai việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với nhiều hình thức như: góp ý trực tiếp, góp ý qua hòm thư đặt tại các trụ sở, nơi làm việc; tổ chức các buổi tọa đàm để tham gia góp ý trên các lĩnh vực; thực hiện công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri; đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân; tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị cán bộ, công chức; giám sát cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú, phẩm chất, đạo đức, lối sống, nhất là sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên…, qua đó đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến vào dự thảo các dự án Luật trình Quốc hội như: Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)... Tại các kỳ họp của HĐND các cấp, Ủy ban MTTQ các cấp đều có báo cáo tham gia đóng góp xây dựng chính quyền, kiến nghị, đề xuất tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân đối với HĐND và UBND các cấp.

Về nhiệm vụ, giải pháp tổ chức thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) trong thời gian tới, MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội Trung ương và địa phương, đơn vị tiếp tục nghiên cứu kiến nghị hoàn chỉnh các cơ chế còn thiếu, chưa đồng bộ làm cản trở quá trình giám sát và phản biện xã hội. Tăng cường công tác tập huấn, nâng cao nhận thức, hiểu biết; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn công tác cho cán bộ, đoàn viên, hội viên; nhân rộng mô hình hay, cách làm tốt, đẩy mạnh tuyên truyền về hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền…

Kết luận hội nghị, đồng chí Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định, hoạt động giám sát, phản biện là hoạt động mang ý nghĩa chính trị và yêu cầu tất yếu khách quan của thực tiễn; quản lý là phải có kiểm tra, giám sát và phản biện trong đó có vai trò quan trọng của công tác giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là vị trí của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, Ban Dân vận các cấp. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, hoạt động giám sát, phản biện và tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền cần được chú trọng hơn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân vận Trung ương sẽ có văn bản hướng dẫn sâu về công tác phối hợp giữa MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và Ban Dân vận các cấp trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Tổ chức sơ kết chuyên đề để rút kinh nghiệm, tháo gỡ những tồn tại và học hỏi những cách làm hay. Rà soát lại những việc đã làm và chưa làm được để xây dựng kế hoạch chi tiết trong thời gian tới./.

Văn Huỳnh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com