Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017

07:05, 19/05/2017

Ngày 17-5-2017 đã diễn ra hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp (DN) năm 2017 với chủ đề: “Đồng hành cùng DN”. Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng; Bộ trưởng Bộ Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương... và 2.000 đại biểu đại diện cho khối các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), DN Nhà nước trong cả nước.

Ở điểm cầu tỉnh ta có các đồng chí: Đoàn Hồng Phong, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU: Ngô Gia Tự, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phạm Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ngành và các DN.

Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: Quang Hiếu
Thủ tướng công bố với các doanh nghiệp tại Hội nghị Chỉ thị số 20 về việc không thanh tra doanh nghiệp một năm quá một lần. Ảnh: Quang Hiếu

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe lãnh đạo Bộ KH và ĐT báo cáo kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016  của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo về tác động của Nghị quyết 35 đối với cộng đồng DN… Theo đó, các nhóm giải pháp chính được đưa ra trong Nghị quyết 35 đã góp phần thực hiện mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi nhất để khởi nghiệp kinh doanh, thúc đẩy các DN phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các hành động của bộ máy quản lý được thể hiện bằng 50 nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được ban hành, giúp đơn giản hóa 4.527 trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính (gần 96%). Kể từ hội nghị Thủ tướng gặp DN tháng 4-2016 đến nay, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng DN đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan Nhà nước, trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời... (đạt tỷ lệ 77%); số DN thành lập mới đạt mức kỷ lục, 110 nghìn doanh nghiệp, cao nhất từ trước tới nay, tăng 16,2% so với năm 2015. 4 tháng đầu năm 2017, toàn quốc đã có thêm 40 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Theo khảo sát của tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO), có 66% số doanh nghiệp Nhật Bản và 36% doanh nghiệp Mỹ có xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam (cao hơn nhiều nước trong khối ASEAN như Thái Lan 21%, Ma-lai-xi-a 19%); 75% doanh nghiệp cho rằng các cải cách đã có hiệu quả tích cực. Vấn đề tồn đọng gồm: Chưa giải quyết triệt để về sự thống nhất luật dẫn đến vướng mắc về đất đai, đầu tư; Tồn tại tình trạng nhiều cơ quan cùng quản lý một vấn đề, 3 bộ cùng quản lý an toàn thực phẩm gồm Công thương, Nông nghiệp, Y tế; Quy định thuế, hải quan chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, chi phí về nộp thuế của Việt Nam cũng cao nhất khu vực, chiếm 39% lợi nhuận làm ra, cao hơn 2 lần Xinh-ga-po; trong khi đó, tốc độ tăng lương tối thiểu từ 8-12% nhưng năng suất lao động chỉ tăng 4%. Ngoài ra, các chi phí không chính thức còn là gánh nặng cho doanh nghiệp, có đến 66% doanh nghiệp xác nhận phải trả chi phí này...

Sau khi điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm qua về hỗ trợ và phát triển DN, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhận thức rõ những tồn tại, rào cản mà DN đang gặp phải. Trước hết, về thể chế chính sách (còn mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều quy định, quy định chưa sát thực tế); vấn đề thuế, phí còn cao; thủ tục hành chính còn gây khó khăn, phiền hà; tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức; DN vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tiếp cận thị trường; hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kém hiệu quả… Để khắc phục tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết trong thời gian tới Chính phủ sẽ tập trung giải quyết 2 vấn đề then chốt là: Tiếp tục kiến tạo môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện khuyến khích đầu tư, bảo đảm thực thi pháp luật; nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, tối ưu hóa các thành tựu công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngay tại hội nghị, Thủ tướng, Thường trực Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã bàn bạc xây dựng và ban hành chỉ thị về công tác thanh tra, kiểm tra DN. Theo đó, không được thanh tra, kiểm tra, kiểm toán DN quá 1 lần/năm. Bên cạnh đó, để tập trung giải quyết triệt để 2 vấn đề then chốt nêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành chức năng; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện đồng bộ 6 nhóm giải pháp là: Bảo đảm tinh thần thượng tôn pháp luật, phải chuyển biến thực thi công vụ nghiêm túc, không được gây nhũng nhiễu, khó khăn cho DN; trao cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế, không phân biệt công hay tư; giao các bộ, ngành hoàn thiện trình Quốc hội các dự án luật, đẩy nhanh việc rà soát - sửa đổi quy định các loại thuế, thủ tục hải quan...; tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm gánh nặng chi phí cho DN; chú trọng xây dựng các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như: cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục...; tăng cường các lợi thế cạnh tranh bền vững cho DN thông qua việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ trên nền tảng kỹ thuật số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên nền tảng công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh...

Thành Trung



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com