Thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, mở rộng thị trường, bảo đảm an sinh xã hội

07:05, 30/05/2012

Ngày 27-5, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,18% so tháng trước. So tháng 12-2011, CPI tháng 5 tăng 2,78%, thấp nhất trong ba năm qua. Tính đến 21-5, tổng phương tiện thanh toán (M2) ước tăng 4,47% so ngày 31-12-2011. Nhiều biện pháp đã được thực hiện nhằm giảm mặt bằng lãi suất. Sau hai lần giảm trần lãi suất huy động, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm 2 đến 3%/năm so cuối năm 2011. Lãi suất cho vay đã giảm 1 đến 4%. Riêng lãi suất cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ đã giảm xuống mức 13,5 đến 15%/năm...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2012.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2012.

Ước năm tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 42,86 tỷ USD, tăng 24,1% so cùng kỳ năm trước. Năm tháng qua, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)  đăng ký ước đạt 5,32 tỷ USD, bằng 68,2% so cùng kỳ năm 2011. Tuy vốn đăng ký giảm nhưng vốn thực hiện vẫn đạt 4,51 tỷ USD, bằng 99,8% so cùng kỳ năm 2011. Vốn ODA giải ngân ước đạt 530 triệu USD, đạt 25% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2012 vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Khó khăn hiện nay của sản xuất công nghiệp là giá và chi phí đầu vào ở mức cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Trong năm tháng qua, ước có khoảng 30.100 DN thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 190 nghìn tỷ đồng, giảm 12,2% về số lượng DN và giảm 3,6% về số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2011. Có khoảng 21.800 DN gặp khó khăn, phải giải thể, tạm ngừng hoạt động, tăng 9,5% so cùng kỳ năm trước. Nhiều DN năng lực tài chính yếu, sản phẩm kém khả năng cạnh tranh, cần phải được cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả đầu tư của khu vực DN và toàn bộ nền kinh tế.

Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã nghe và thảo luận: Tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và triển khai Nghị quyết số 13/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; dự thảo Nghị quyết về đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020; dự thảo Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân...

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Kinh tế - xã hội tháng 5 và năm tháng qua tiếp tục có chuyển biến tích cực, chúng ta thực hiện kiềm chế lạm phát thành công, kinh tế vĩ mô ổn định. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức nổi lên, đó là, sản xuất công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước; mặt bằng lãi suất tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao, DN khó tiếp cận vốn; số DN giải thể, ngừng hoạt động tăng... Từ thực tế trên, Chính phủ chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu năm 2012, nhất quán bám sát các mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra. Chủ động điều hành kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7 đến 8%, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm mức tăng trưởng hợp lý.

Về giải pháp thực hiện các mục tiêu trên, Thủ tướng nhấn mạnh, cần phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất tín dụng, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ DN xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế để hỗ trợ thị trường. Tăng dư nợ tín dụng đúng địa chỉ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, những DN sản xuất những sản phẩm có nhu cầu trên thị trường, kể cả DN bất động sản làm nhà ở xã hội, qua đó góp phần giải quyết việc làm. Tăng dư nợ tín dụng gắn liền hạ lãi suất phù hợp mức lạm phát giảm dần.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phải có cơ chế, biện pháp để các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn; chỉ đạo quyết liệt để xử lý nợ xấu, trước hết là nợ xấu giữa các ngân hàng và có các biện pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ... cho các DN, nhất là các DN có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng đang gặp khó khăn tạm thời nhằm khơi thông dòng vốn trong nền kinh tế.

Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo thực hiện gói hỗ trợ của DN. Thủ tướng giao Bộ Tài chính sớm trình Quốc hội đề án giảm thuế thu nhập DN năm 2012 đối với các DN nhỏ và vừa...

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ, ODA, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, coi đây là biện pháp hiệu quả để tăng tổng cầu giúp tháo gỡ một phần hàng tồn kho của các DN. Trong đó, tập trung giải ngân đầu tư công theo kế hoạch vào đúng dự án, công trình, hạng mục sắp hoàn thành và đạt hiệu quả, không để xảy ra tình trạng ứng vốn tràn lan, dàn trải. Triển khai thực hiện các biện pháp huy động bổ sung nguồn vốn đầu tư hạ tầng, kiên cố hóa kênh mương, cơ sở hạ tầng nông thôn... góp phần tiêu thụ xi-măng, sắt thép, vật liệu xây dựng tồn kho. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp Bộ Xây dựng bàn biện pháp thúc đẩy các dự án làm đường bê-tông nông thôn.

Đối với các giải pháp hỗ trợ thị trường và DN, cần mở rộng thị trường trong nước, tăng cường xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường lớn... Bộ Công thương nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu cao, nhất là đối với những mặt hàng có lợi thế. Tạo mọi điều kiện thuận lợi khuyến khích sản xuất đối với những sản phẩm có lợi thế.

Kiên trì thực hiện bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm đời sống đồng bào vùng sâu, vùng xa, những nơi khó khăn, thiên tai; chăm lo đời sống người lao động ở các DN, thực hiện mạnh mẽ các biện pháp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, quan tâm người lao động mất việc làm; bảo đảm an ninh quốc phòng; tăng cường công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trấn áp tội phạm; bảo đảm trật tự an toàn giao thông; làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, theo đó các cơ quan truyền thông cần phản ánh trung thực, khách quan, vì lợi ích chung, tạo đồng thuận trong dư luận xã hội...

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com