Thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế

07:05, 25/05/2012
Ngày 24-5, Kỳ họp thứ ba, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ tư. Các đại biểu QH thảo luận ở tổ về: Ðánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015; về Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Linh hoạt trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội

Trong giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH tập trung thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; bổ sung một số dự án mới sử dụng trái phiếu chính phủ giai đoạn 2012-2015. Ða số đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ và cho rằng, năm 2011, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả khá toàn diện: kinh tế nước ta vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế về cơ bản được bảo đảm, kinh tế vĩ mô có bước chuyển biến tích cực; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm, bảo đảm; quốc phòng - an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, nổi lên là: Kinh tế vĩ mô chưa thật sự ổn định, còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát tuy đã được kiềm chế  trong những tháng cuối năm, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm vẫn ở mức cao là 18,13%; chất lượng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh chưa được cải thiện, năng suất lao động xã hội thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; các lĩnh vực xã hội còn những yếu kém, chậm được khắc phục, nhất là về chất lượng giáo dục, đào tạo, khám, chữa bệnh. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra với biểu hiện tinh vi, phức tạp xảy ra trên nhiều lĩnh vực; tai nạn và ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Một số đại biểu đề nghị, cần đánh giá lại kết quả đã đạt được trên các mặt cho chính xác hơn, nhất là những tác động tiêu cực khi thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về thắt chặt chi tiêu, kiềm chế lạm phát như nhiều công trình đang xây dựng bị đình trệ, gây lãng phí, số lao động mất việc làm tăng, nhiều doanh nghiệp gặp khó trong sản xuất, kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn (Đoàn tỉnh Nam Định).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Sơn (Đoàn tỉnh Nam Định).

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012, nhiều đại biểu đề nghị, Chính phủ cần điều hành phát triển kinh tế linh hoạt, có các giải pháp cụ thể trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, đánh giá lại mô hình tăng trưởng, từ đó có các giải pháp thiết thực, phù hợp, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, doanh nghiệp phát triển hiệu quả. Ðại biểu Nguyễn Hùng Sơn (Hà Nội) cho rằng, ngay từ giữa năm 2011, Chính phủ đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó có giải pháp về miễn, giảm thuế. Tuy nhiên, các giải pháp nêu trên chưa mang lại kết quả như mong đợi, số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động thu hẹp sản xuất tăng 24,7% so với năm 2010, số lao động mất việc làm tăng; thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản giảm sút và gặp nhiều khó khăn... Do vậy, Chính phủ cần có chính sách phù hợp hơn để các doanh nghiệp tiếp nhận vốn và miễn giảm thuế năm 2012. Ðại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng) đề nghị, Chính phủ cần có biện pháp siết chặt công tác quản lý tài chính, tăng hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước trong việc thu, chi ngân sách. Ðại biểu Nguyễn Sĩ Hội (Nghệ An) mong muốn, Chính phủ cần tập trung nguồn lực, thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia trong các lĩnh vực xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bền vững, nhất là đối với các huyện nghèo, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

Cùng với các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu đề nghị, cần Chính phủ tập trung xử lý những vụ việc gây bức xúc trong nhân dân, đẩy mạnh chống tham nhũng và thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững.

Tái cơ cấu phải dựa trên những thế mạnh của Việt Nam

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh (gọi tắt là Ðề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế). Hầu hết các đại biểu cho rằng, vấn đề xây dựng Ðề án là cần thiết, nhưng nội dung còn quá chung chung, lặp lại những quan điểm đã nêu trong Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Các đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội), Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) đều cho rằng, Ðề án mới chỉ xác định được  khung, chưa đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém của nền kinh tế thời gian qua, từ đó đưa ra giải pháp cụ thể. Mặc dù Ðề án đưa ra 13 nhóm giải pháp chủ yếu, nhưng các nhóm giải pháp chưa có tính đột phá, thiếu sự gắn kết với nhau, cũng như chưa thật sự đồng bộ giữa các Ðề án tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực.

Vấn đề mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Ðề án chưa đưa ra được mô hình tăng trưởng mà chúng ta sắp hướng tới là gì. Theo đại biểu này, tái cơ cấu nền kinh tế là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình tăng trưởng, do vậy trước giai đoạn chuyển đổi bước ngoặt cần có sự nghiên cứu chính xác và phải đặt mô hình tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của nước ta. Nếu không phân tích đầy đủ các yếu tố đó thì tính khả thi của Ðề án không cao. Ðại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, quá trình tái cơ cấu phải dựa trên thế mạnh sẵn có của Việt Nam. Chúng ta có những lợi thế về nông nghiệp, về bờ biển, về dân số... nhưng lại không được làm rõ trong Ðề án cũng như không có biện pháp khai thác hiệu quả những thế mạnh đó. Ðồng tình với quan điểm nêu trên, đại biểu Ðỗ Văn Ðương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thế mạnh của Việt Nam là nông - lâm - ngư nghiệp nhưng trong giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế lại theo chiều hướng giảm dần tỷ trọng đối với các khu vực này. Ðại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, năm 2011, nông nghiệp đóng góp khoảng 22% GDP, việc điều chỉnh giảm xuống 15% trong thời gian tới là "có lỗi" đối với ngành. Nhiều đại biểu đề nghị, cần điều chỉnh lại cơ cấu của nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế và có quy hoạch cụ thể đối với từng vùng nông nghiệp, đồng thời có chính sách khuyến khích đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Ðề cập vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều đại biểu đề nghị, cần tập trung nâng cao hiệu quả sản xuất và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn, tổng công ty lớn, đáp ứng vai trò chủ đạo trong phát triển sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế.

Về vấn đề tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, cần làm rõ tình trạng các ngân hàng đua nhau mua cổ phần của các ngân hàng khác, tạo ra sự chồng chéo, tính thanh khoản kém, nợ xấu, rủi ro cao... Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát các ngân hàng trong việc tăng lãi suất huy động và lãi suất cho vay bằng nhiều hình thức, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh.

Theo: nhandan.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com