Triển khai công tác bảo vệ thực vật vụ xuân năm 2012 và phát triển ngành nghề nông thôn

07:04, 09/04/2012

Chiều mùng 6-4-2012, Sở NN và PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai công tác bảo vệ thực vật (BVTV) vụ xuân năm 2012 và phát triển ngành nghề nông thôn.

Cán bộ bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Internet
Cán bộ bảo vệ thực vật kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Internet

Vụ xuân năm 2012, rét kéo dài liên tục từ 28-12-2011 đến hết tháng 2-2012, có nhiều ngày mưa phùn, rét đậm, rét hại. Nửa đầu tháng 3 thời tiết rét cùng với mưa ẩm thường xuyên, thiếu ánh sáng nên lúa sinh trưởng chậm, cuối tháng 3, đầu tháng 4 trời ấm dần, lúa màu sinh trưởng nhanh. Các đối tượng sâu bệnh chính đầu vụ đã xuất hiện song được các địa phương tập trung diệt trừ nên mức độ thiệt hại không đáng kể. Riêng bệnh đạo ôn tuy xuất hiện ngay từ giai đoạn mạ, song từ ngày 24-3-2012 thời tiết chuyển lạnh và khô nên bệnh phát triển chậm. Trên cây màu, bệnh lở cổ rễ ở cây lạc phát sinh trên diện rộng, các đối tượng khác phát sinh mức độ thấp, phân bổ không đều. Từ nay đến cuối vụ, các dịch hại chính là: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu đục thân 2 chấm, bệnh khô vằn trên lúa, nhất là bệnh đạo ôn với điều kiện thời tiết, nhiệt độ ngày và đêm chênh lệch lớn, nếu không phòng trừ tốt sẽ phát sinh thành dịch ở các giống nhiễm như BC15, BT7, Q5, nếp… Trên cây lạc, sâu cuốn lá sẽ xuất hiện tập trung trong tháng 4, bệnh đốm nâu, gỉ sắt xuất hiện và hại lạc đến cuối vụ, các địa phương cần tập trung quản lý dịch hại: thường xuyên kiểm tra đồng, thông báo tình hình dịch hại, chủ trương, biện pháp phòng trừ tới từng hộ nông dân, quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh thuốc BVTV, tổ chức phòng trừ dịch hại kịp thời, hiệu quả, khoanh vùng xử lý thuốc khi dịch hại xảy ra song hạn chế phun thuốc tràn lan vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm môi trường mà hiệu quả kém.

Toàn tỉnh hiện có 89 làng nghề với 52 nghìn hộ và 305 cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn (NNNT), thu hút trên 130 nghìn lao động, chiếm 8,7% dân số trong khu vực nông thôn. Nhiều làng nghề có tỷ lệ lao động nghề chiếm 80-90%. Năm 2010 giá trị sản xuất NNNT chiếm 50,4% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. NNNT đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, xây dựng NTM. Cơ cấu NNNT ở tỉnh ta đang có sự thay đổi theo hướng tích cực: giảm tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp và thuỷ sản, tăng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Mục tiêu phát triển NNNT đến năm 2015 là: Số hộ sản xuất kinh doanh NNNT tăng bình quân hằng năm 5%, toàn tỉnh có 380-400 cơ sở sản xuất NNNT, 100 làng nghề trở lên, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất NNNT hằng năm tăng trên 20%. Để đạt được mục tiêu, tỉnh ta tập trung thực hiện tốt 6 nhóm giải pháp cơ bản là: làm tốt công tác quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng; tập trung tổ chức sản xuất, phát triển nguồn nhân lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, tích cực huy động vốn đầu tư; thống nhất quản lý từ tỉnh tới huyện và xã, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về NNNT; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển NNNT; đưa khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường để phát triển NNNT bền vững./.

Tất Thắc
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com