Hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề

07:04, 18/04/2012

Ngày 16-4-2012, UBND tỉnh tổ chức hội nghị bàn giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề. Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham gia hội nghị có lãnh đạo các Sở: LĐ-TB và XH, Công thương, Tài chính, KH và ĐT, Nội vụ, Ban quản lý các KCN của tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh cùng đại diện các trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy,
Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, lực lượng lao động của tỉnh hiện có khoảng 983.300 người, chiếm khoảng 54% dân số. Cơ cấu lao động ở khu vực nông thôn chiếm 64,4%. Mỗi năm số lao động được giải quyết việc làm (GQVL) mới qua các kênh khoảng 30 nghìn lượt người, trong đó doanh nghiệp giải quyết khoảng 15 nghìn việc làm mới. Về công tác đào tạo nghề, hệ thống các trường dạy nghề trên địa bàn tương đối đa dạng, đã được đầu tư cả nhân lực và cơ sở vật chất từng bước đáp ứng yêu cầu. 100% các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 của Chính phủ đều được gắn kết với doanh nghiệp, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 85%. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đã có sự chuyển dịch theo yêu cầu thị trường. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh phát triển chưa đồng bộ. Trang thiết bị dạy nghề còn thiếu và yếu về chất lượng, chủng loại. Việc tuyển dụng, giới thiệu việc làm qua Sàn giao dịch việc làm còn hạn chế. Để nâng cao chất lượng dạy nghề, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tập trung thực hiện 4 nhóm giải pháp chính: đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về giáo dục và dạy nghề; tập trung đánh giá, rà soát toàn bộ mạng lưới cơ sở dạy nghề hiện có, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch phát triển cơ sở dạy nghề của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; tăng cường quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề; khuyến khích tạo điều kiện thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực dạy nghề và tranh thủ sự quan tâm của Trung ương thực hiện có hiệu quả dự án đổi mới dạy nghề, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Phát biểu kết luận, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Những năm qua Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các ngành đã quan tâm đến công tác dạy nghề nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế xã hội. Các trường dạy nghề đã có những cố gắng để thích nghi với yêu cầu mới, phạm vi tuyển sinh từng bước mở rộng. Tuy nhiên công tác đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề còn dàn trải trong khi nguồn vốn ít làm hạn chế chất lượng đào tạo, học sinh ra trường khó xin việc làm, vừa lãng phí vừa làm giảm uy tín của cơ sở đào tạo khiến các trường khó tuyển sinh. Công tác tham mưu cho tỉnh về đào tạo nghề, GQVL của các ngành chức năng còn hạn chế. Đồng chí yêu cầu, trong thời gian tới Sở LĐ-TB và XH và các ngành hữu quan, các trường dạy nghề phải quán triệt nhiệm vụ xây dựng Thành phố Nam Định trở thành trung tâm đào tạo dạy nghề của vùng là một trong các mục tiêu xây dựng thành phố thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Như vậy, công tác đào tạo nghề không chỉ cho địa phương mà cho cả khu vực và toàn quốc. Sở LĐ-TB và XH chủ động phối hợp tăng cường công tác tuyên truyền với 3 mục tiêu: phân luồng đào tạo theo năng lực học tập của học sinh; thông tin đầy đủ kịp thời nhu cầu nghề, trình độ nghề của thị trường lao động trong và ngoài nước; giới thiệu các địa chỉ trường có năng lực đào tạo tốt trong các nghề cụ thể cho người có nhu cầu học nghề biết. Trong công tác rà soát, đánh giá hệ thống các trường nghề cần chỉ ra được các tiêu chí chuẩn của các trường, các ngành nghề đào tạo, trên cơ sở đó lựa chọn và tham mưu cho tỉnh có chương trình đầu tư trọng điểm cho trường, cho nghề bảo đảm đào tạo chuyên sâu, hiệu quả; đồng thời cần phân định rõ các trường nghề và các trung tâm dạy nghề. Đổi mới phương thức và nâng cao chất lượng công tác giới thiệu việc làm. Nâng cao toàn diện trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề. Các trường phải chủ động liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy nghề và thực hành, có trách nhiệm giới thiệu việc làm cho học sinh sau đào tạo; phát huy cơ chế chủ động tài chính theo quy định đối với các đơn vị sự nghiệp, chú trọng huy động các nguồn lực tài chính ngoài ngân sách để đầu tư cho công tác đào tạo. Các sở, ban, ngành cần phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt chủ trương của tỉnh về đào tạo nghề, trước mắt chú ý đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động phục vụ sự nghiệp xây dựng NTM. Tỉnh đã thực hiện khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn, tạo cơ hội và thị trường lao động là nguồn cho công tác đào tạo nghề. Ngành LĐ-TB và XH và các trường nghề cần nắm bắt các chương trình dự án đầu tư trọng điểm tỉnh đang tích cực triển khai như dự án nhà máy nhiệt điện, chương trình xây dựng Khu kinh tế Ninh Cơ… để có định hướng ngành nghề đào tạo đón đầu./.

Tin, ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com